Tạo sản phẩm du lịch khác biệt

Tỉnh Sơn La nằm trên trục đường quốc lộ 6, cách Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc, có đường biên giới Việt - Lào dài 274km, với 12 dân tộc cùng đoàn kết chung sống. Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn là những tiềm năng lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các du khách trong và ngoài nước.

Với mong muốn và nỗ lực hình thành các tour du lịch Sơn La chất lượng hơn, thường xuyên hơn, Sơn La không chỉ hướng về thị trường Hà Nội mà cả thị trường miền Trung, miền Nam. Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho biết: “Để có thể thu hút khách từ thị trường cả nước đến Sơn La, điểm đến này phải có những thay đổi, tạo ra sự khác biệt”.

leftcenterrightdel
 Đoàn du khách Việt tham gia chương trình du lịch từ Sơn La qua Lóng Sập đến Sầm Nưa (Lào).

Cao nguyên mênh mông như ở Mộc Châu (Sơn La) đang là lợi thế kết hợp với sắc màu văn hoá tạo nên sự khác biệt cho Sơn La. Với những khách du lịch yêu thích văn hóa thì Sơn La chính là nơi có các bản làng đậm chất văn hóa dân tộc để có thể tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh đó, Sơn La đang phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đó là nhu cầu của khách quốc tế và nội địa sau đại dịch. 

Ông Phùng Quang Thắng cho rằng: Tỉnh Sơn La những năm gần đây cũng trải thảm đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư vào các dự án du lịch. Nhiều dự án hình thành trong đó có Mocchau Island đang tạo sự khác biệt và đa dạng để du lịch Sơn La cất cánh. Những người làm du lịch ở địa phương rất tích cực, phong trào học tập lên rất cao để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của địa phương.

Hiện nay, ở Tây Bắc, Điện Biên có cửa khẩu Tây Trang, Lai Châu có cửa khẩu Ma Lù Thàng, Sơn La có cửa khẩu Chiềng Khiêng, Lóng Sập nối với Lào.... Những điều kiện này có thể giúp Sơn La và các tỉnh Tây Bắc tạo thành tuyến mới, khác biệt để làm ra các sản phẩm mới sang nước bạn Lào. Các doanh nghiệp gợi ý những tour du lịch hấp dẫn như: Hà Nội- Mộc Châu- Sầm Nưa- Luang Prabang- Điện Biên Phủ- TP Sơn La- Phù Yên- Hà Nội; Hà Nội- Sơn La- Sầm Nưa- Cánh đồng Chum- Luang Prabang- Vienchan- Nghệ An- Hà Nội; Hà Nội- Mộc Châu- cửa khẩu Lóng Sập Sầm Nưa- cửa khẩu Chiềng Khương- TP Sơn La- Quỳnh Nhai- Hà Nội.... Tuyến du lịch đồng bằng và miền núi, giữa Lào và Việt Nam sẽ hấp dẫn khách nếu kết nối các điểm đến Hà Nội- Sơn La và Lào.

Từ góc nhìn người dân làm du lịch cộng đồng, anh Tráng A Chu, người Mông đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở bản Hua Tạt, xã Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, A Chu homestay được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế lựa chọn khi đến Sơn La. Cơ sở đã cung cấp nhiều dịch vụ, từ nghỉ dưỡng với nhiều loại phòng, từ nhà sàn cộng đồng đến các phòng có dịch vụ cao cấp, các dịch vụ ăn uống, hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, khám phá bản làng vùng cao…

Nhưng để có cơ ngơi này, ngoài nỗ lực của gia đình thì còn nhờ rất nhiều vào sự hỗ trợ của địa phương, nhất là giúp đỡ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, dù rằng anh A Chu đã từng được đào tạo về du lịch trước đó.

Cũng theo anh Tráng A Chu, ở Hua Tạt hiện nay, ngoài cơ sở của gia đình anh, một số gia đình khác ở địa phương cũng mở homestay phục vụ khách. Tuy nhiên, cơ sở thường chỉ phục vụ tốt nhất cùng lúc từ 50-80 khách. Nếu phục vụ cùng lúc đến 200 khách thì nhiều đồng bào làm homestay “hơi choáng”. Vì cung vượt quá cầu nên có gia đình đành để mặc khách. Việc này dẫn tới những ấn tượng không đẹp cho du khách đến địa phương… Chưa kể, có những gia đình mở homestay hiện nay nhưng chưa được hỗ trợ như gia đình anh A Chu trước đây. Trong khi đó, với đồng bào, ngoài hỗ trợ về vốn thì hỗ trợ đào tạo nhân lực theo kiểu “cầm tay chỉ việc” vô cùng cần thiết.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tiên Phong travel chia sẻ: "Mới đây, đơn vị đã tổ chức 2 đoàn hơn 100 khách kết nối đi từ Hà Nội – Mộc Châu qua cửa khẩu quốc tế Lóng Sập đến Sầm Nưa (Lào). Trước đây, chương trình đi Mộc Châu thường 2 ngày 1 đêm nhưng khi liên kết tour sang Lào, chương trình kéo dài 3 ngày 2 đêm. Với lịch trình 3 ngày 2 đêm, đoàn đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại những điểm đến nổi tiếng ở Mộc Châu như: Cầu kính Bạch Long; thác Dải Yếm; đồi chè trái tim; khu du lịch Happy Land; khu du lịch Rừng thông bản Áng. Qua cửa khẩu Pa Háng sang nước bạn Lào, đoàn đến thăm Khu di tích Kaysone Phomvihane, chùa ông Tứ, chợ Sầm Nưa…”

“Quá trình khảo sát và tổ chức tour cho thấy hạ tầng giao thông từ Lóng Sập sang Sầm Nưa rất đẹp nhưng đường từ Mộc Châu đến cửa khẩu quốc tế Lóng Sập còn xấu nên cần tỉnh quan tâm đầu tư tuyến đường này. Hiện việc qua cửa khẩu Lóng Sập mới dành cho khách Việt Nam nhưng tương lai sẽ mở ra cơ hội đón khách quốc tế đến Mộc Châu, Sơn La qua cửa khẩu này là rất lớn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho du lịch Sơn La phát triển hơn nữa trong thời gian tới", ông Phùng Xuân Khánh cho biết.

Còn ông Nguyễn Tiến Anh, Tổng giám đốc Mộc Châu Island chia sẻ, vì mới khai trương dịp 30.4 và 1.5 nên hiện nay khách tới Khu du lịch chủ yếu là khách lẻ, khách đoàn qua đại lý và công ty du lịch chỉ chiếm 20%. Do đó, khu du lịch tại Mộc Châu mong muốn được kết nối thực chất, hiệu quả với các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và cả nước để đưa khách tới Mộc Châu, Sơn La.

Tiếp tục cải thiện hạ tầng, dịch vụ

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Sơn La không ngừng tăng lên. Địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tổng lượt khách đạt 5,2 triệu lượt, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15-20%/năm.

leftcenterrightdel
 Du khách cắm trại tại Khu du lịch Rừng thông bản Áng, tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La. 

Hiện tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hình thành trục giao thông liên thông kết nối các vùng, tạo thêm sự lựa chọn di chuyển với tốc độ cao từ trung tâm huyện Mộc Châu đến địa phận tỉnh Hòa Bình và Hà Nội. Từ việc phát triển hạ tầng giao thông này, việc kết nối tour du lịch giữa Sơn La và Hà Nội để phát triển du lịch là rất khả thi.

Sơn La cũng đã bước đầu xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: Du lịch cộng đồng; du lịch Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với nông nghiệp; du lịch văn hóa gắn với lễ hội, thể thao... Nhiều khu, điểm du lịch dần trở nên nổi tiếng, đã tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sơn La như: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; khu du lịch Quỳnh Nhai; Ngọc Chiến; cầu kính Bạch Long (cây cầu có đường đi bộ bằng kính dài nhất thế giới); điểm du lịch Pha Đin Tốp; sống lưng khủng long; săn mây Tà Xùa… Đặc biệt, năm 2022 Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Sơn La được bình chọn là “Điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Việt Nam và hàng đầu châu Á”…

Để thúc đẩy phát triển du lịch Sơn La, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Sơn La cần tập trung xây dựng sản phẩm mới, làm mới sản phẩm cũ và tạo những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt để thu hút du khách từ Hà Nội và cả nước. Đặc biệt là sau dịch COVID-19, xu hướng, thị hiếu của du khách đã có sự thay đổi lớn. Với lợi thế của mình, Sơn La nên tập trung vào các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng. Hà Nội tập trung vào sản phẩm đô thị, MICE (du lịch hội nghị kết hợp hội thảo), văn hóa- lịch sử, ẩm thực để tạo ra các sản phẩm khác biệt, khả thi khi kết nối và cùng quảng bá, xúc tiến.

“Việc cùng quảng bá, xúc tiến cần được thống nhất cách thức thực hiện. Ngoài các tập gấp, tờ rơi, các địa phương cần tập trung vào e-marketing trên nền tảng số, mạng xã hội. Đồng thời, tập trung trao đổi, bàn bạc để hình thành các liên minh, liên kết, kích cầu du lịch, đưa khách tới Sơn La”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.

Theo TTXVN