Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững” diễn ra hôm nay (8/9).

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách để phát triển du lịch bền vững thực sự. Ảnh:VGP

Theo Phó Thủ tướng, trước đại dịch, du lịch thế giới đã tăng trưởng liên tục 10 năm, đóng góp 10,4% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, năm 2019, du lịch tăng trưởng 16,5%, đóng góp 9,2% GDP, với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế, ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch bị thiệt hại rất nặng nề, ước tính khoảng 2.000 tỉ USD và dẫn đến 62 triệu việc làm bị mất. Khách quốc tế giảm 70%, khách trong nước giảm hơn 50%...

Với việc tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, một số nghiên cứu dự đoán đến hết năm 2023 du lịch thế giới mới đạt mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được ban hành, tháng 10/2021, cùng với việc nhanh chóng tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19, du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi, tiến tới mở cửa hoàn toàn vào ngày 15/3, so với mục tiêu đặt ra trước đó là ngày 30/4. Du lịch trong nước đã có bước khởi sắc rất tốt, du lịch quốc tế đang từng bước phục hồi.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành du lịch, đã tranh thủ trong thời gian dịch bệnh để nỗ lực đổi mới sản phẩm, sửa sang cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua những khó khăn để giữ được nguồn nhân lực du lịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là cơ sở để du lịch Việt Nam tự tin thực hiện những giải pháp mở rộng, phát triển hơn nữa du lịch trong bối cảnh mới một cách an toàn, linh hoạt, mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nhanh hơn các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trong đó có lĩnh vực du lịch. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần có hỗ trợ cần thiết cho các lao động trong ngành du lịch quay trở lại; trợ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá thể kinh doanh dịch vụ du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng với đó, qua đại dịch, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phải rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách để phát triển du lịch bền vững thực sự.

Tiếp đó, tăng cường kết nối hơn nữa giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó, đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc "chứ không chỉ kêu".

"Trong lúc chưa sửa được luật thì xin làm thí điểm, chưa làm được toàn quốc thì làm ở những vùng có thế mạnh, vùng trọng điểm về du lịch. Có rất nhiều việc không chỉ ngành du lịch làm được (giá điện, thuế, đất đai, cấp thị thực nhập cảnh…) nên rất cần sự chung tay của các bộ, ngành"- Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tất cả các khâu trong phát triển du lịch phải được thực hiện nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nhằm lấy lại quãng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Minh Nhật