|
|
Festival gốm Thanh Hà 2018 thu hút gần 30 nghệ nhân đến từ 9 làng nghề gốm đỏ và sành trên toàn quốc. |
Với nhiều hoạt động phong phú nhằm kết nối các nghệ sĩ, nghệ nhân với người dân của làng gốm Thanh Hà (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) và những người yêu mến chất liệu gốm, tối qua ngày 19/08, tại Công viên đất nung Thanh Hà đã diễn ra lễ khai mạc Festival Gốm Thanh Hà – Hội An.
Lần đầu tiên tổ chức Festival gốm Thanh Hà nên đây sẽ là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm gốm truyền thống của các làng nghề, góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống địa phương. Bên cạnh đó, các hoạt động trong Festival lần này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, thêm nhiều lựa chọn phong phú và hấp dẫn thu hút du khách khi tới Quảng Nam.
Lễ hội sẽ diễn ra với các hoạt động đậm đà sắc màu nghệ thuật như: Giỗ tổ nghề gốm; đua thuyền ngang; vẽ kí họa thiếu nhi; nghệ thuật sắp đặt gốm 3 miền trên đường làng; góc “Ẩm thực đất nung”; ra mắt Câu lạc bộ “Thanh niên với gốm truyền thống”; tọa đàm “Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trong bối cảnh phát triển du lịch”; thi chuốt gốm, nặn con thổi...
|
|
Đây là dịp để các nghệ nhân, các nhà điêu khắc, họa sỹ trên khắp cả nước có dịp trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật làm gốm đỏ truyền thống. |
Điểm nhấn trong dịp Festival lần này là phần lễ Giỗ tổ nghề gốm sáng ngày 20/8 với phần cúng, tế, lễ, rước kiệu theo nghi thức cổ truyền thu hút sự tham gia của người dân làng gốm Nam Diêu (Thanh Hà, Hội An). Sau phần lễ chính là phần hội với các trò chơi dân gian như thi nấu cơm niêu, kéo co, bịt mắt đập nồi...; các cuộc thi: đua thuyền ngang, chuốt gốm, nặn tò he, trưng bày, chế tác sản phẩm gốm.
Bên cạnh đó, Festival gốm Thanh Hà sẽ chiếu ra mắt bộ phim “Những người thợ gốm Thanh Hà”. Phim tài liệu về Làng gốm Thanh Hà vốn được nhắc đến qua rất nhiều phóng sự - video. Riêng bộ phim lần này là những cuộc đối thoại đầy đủ nhất với các nghệ nhân – những người thợ gốm kỳ cựu trong làng... để thấy câu chuyện làng của ngày xưa hiện về, của những trăn trở hôm nay về nghề và chuyện ngày mai – những gởi gắm cho thế hệ sau về giữ làng - giữ nghề. Hiểu được người thợ gốm chính là hiểu được cái hồn gửi gắm trong mỗi viên gạch, mỗi bình, vại, nồi, niêu…
Sự góp mặt của các làng nghề gốm nổi danh như Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), Lư Cấm (Khánh Hòa), Bầu Trúc (Ninh Thuận), Vĩnh Long... các nghệ nhân sẽ thể hiện, phô bày nét đặc trưng, độc đáo của mình qua các tác phẩm. Du khách sẽ được chứng kiến cùng các nghệ nhân làng nghề trình diễn, giới thiệu những nét riêng của từng làng nghề và từ đó sẽ trải nghiệm sự độc đáo, đa dạng của gốm Việt Nam, từ sự đa dạng của chất liệu đất nung, sành, cách tạo hình đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi làng nghề như dùng bàn chuốt gốm, nặn gốm bằng tay, dùng đá làm láng,…
|
|
Các gian hàng gốm sứ truyền thống thu hút nhiều sự quan của người dân và du khách. |
Ngoài ra, chương trình biểu diễn thời trang “Ao dai Terracotta” cùng với các phụ kiện trang sức gốm đỏ độc đáo được sáng tạo trên ý tưởng các sản phẩm và hoa văn truyền thống từ đất nung do các nghệ sĩ gốm thực hiện sẽ tôn vinh vẻ đẹp của gốm đỏ trên sân khấu đường làng.
Sau kỳ Festival lần này, ban tổ chức sẽ họp bàn và trao đổi để rút kinh nghiệm. Từ đó đưa ra quyết định có tổ chức thường niên những kỳ Festival Gốm Thanh Hà hay không.
Bình Nguyên – Lê Tâm