(BVPL) - Việt Nam là đất nước có nhiều lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc. Lễ hội truyền thống là hiện tượng lịch sử, hiện tượng văn hóa có mặt ở nước ta từ lâu đời và có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Mỗi mùa, mỗi tháng trên khắp cả nước đều có các lễ hội đặc trưng. 
 
Một số lễ hội trong tháng 6 âm lịch:
 
1. Lễ hội Trà Cổ
 
Lễ hội Trà Cổ diễn ra từ ngày 29 tháng 5 đến 6 tháng 6 âm lịch tại làng Trà Cổ, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
 
Hội làng Trà Cổ diễn ra trong 7 ngày với các nghi thức rước từ Trà Cổ về quê tổ Ðồ Sơn, rồi từ Ðồ Sơn quay về Trà Cổ. 
 
trà cổ.jpg
Lễ hội Trà Cổ (Ảnh internet)

 

Mồng 1 tháng 6 âm lịch là ngày vào hội rước Vua ra bể (còn gọi là rước vua ra Miếu) với nghi thức gồm một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm. Sau lễ rước là cuộc thi các sản phẩm chăn nuôi trồng trọt. 

 

Nét độc đáo của hội Trà Cổ là hội thi làm cỗ, thi nấu ăn, ai nấu ăn giỏi đều được cả làng biết đến. Ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch là ngày kết thúc hội có múa bông. Trong ngày múa bông, người ta cầu mong trời đất thần linh phù trợ cho đánh bắt được nhiều cá tôm, buôn bán phát đạt, chăn nuôi, trồng cây tươi tốt, cuộc sống ấm no.
 
2. Hội Đền Khả Lâm
 
Hội Đền Khả Lâm diễn ra vào ngày 3 tháng 6 âm lịch tại Kha Lâm, Nam Sơn, Kiến An, Hải Phòng. 
 
Đền Khả Lâm thờ Công chúa Chiêu Minh, con gái vua Trần Thánh Tông. Theo truyền thuyết, Công chúa Chiêu Minh có công xây cầu, mở chợ, chăm sóc người già, giúp người hoạn nạn và hiến toàn bộ ruộng vườn riêng cho dân. Vì thế người dân nơi đây đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của vị công chúa này.
 
Đến với lễ hội du khách sẽ được hòa mình vào không khí của một lễ hội mà phần lễ cũng đặc sắc không kém gì phần hội. Các nghi lễ chính của lễ hội: Lễ dâng hương, tưởng niệm, tụng kinh, cầu siêu.  Phần hội bao gồm những trò chơi dân gian hấp dẫn như chị gà, đánh cờ người, đấu vật,…
 
3. Hội đình làng Phú Xuân
 
Hội đình làng Phú Xuân diễn ra vào từ ngày 5 - 6 tháng 6 âm lịch tại phường Tây Lộc, TP Huế.
 
Đình làng Phú Xuân (Ảnh internet)
Đình làng Phú Xuân (Ảnh internet)
 
Đình làng Phú Xuân là một minh chứng lịch sử chứng minh cho quá trình tìm kiếm, định đô và phát triển kinh thành Huế những năm cuối thế kỷ XVII. Đình là một công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian tiểu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên địa phận phường Tây Lộc, TP Huế. Lễ hội dân gian - Hội Đình diễn ra là phong tục tập quán nhằm suy tôn các vị thần khai sáng làng Phú Xuân.
 
4. Hội kéo ngựa gỗ
 
Hội kéo ngựa gỗ diễn ra vào ngày 10 tháng 6 âm lịch tại huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. 
 
Hội kéo ngựa gỗ (Ảnh internet)
Hội kéo ngựa gỗ (Ảnh internet)
 
Trước ngày hội, dân ở hai làng Đôn Lương và Hoàng Châu làm hai con ngựa gỗ có bón bánh xe nhỏ ở dưới chân để có thể điều khiển ngựa đi một cách dễ dàng. Việc điều khiển ngựa chạy vòng tròn chẳng những đòi hỏi phải có sức khoẻ, dẻo dai của một tập thể người kéo mà còn có sự mưu mẹo, nhanh nhẹn của người chỉ huy. 
 
Hội thi kéo ngựa gỗ trong lễ hội dân gian này mang tinh thần thượng võ, là hình thức thể thao lành mạnh thể hiện sức mạnh và sự khéo léo. Các lễ hội trên khắp mọi nơi luôn thu hút đông đảo người tham dự.
 
5. Hội đình Quan Lạn
 
Hội đình Quan Lạn từ ngày 10 đến 20 tháng 6 âm lịch tại đảo Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh.
 
Đình thờ Trần Khánh Dư, một danh tướng đời Trần có công đánh thắng giặc Nguyên Mông. Hội đình Quan Lạn được tổ chức là để kỷ niệm chiến công của Trần Khánh Dư. 
 
Hội đình Quan Lạn (Ảnh internet)
Hội đình Quan Lạn (Ảnh internet)
 
Điểm đặc sắc trong hội đình Quan Lạn là các cuộc đua thuyền, người ta còn gọi đây là hội bơi, đua Quan Lạn. Hội đua thuyền thực chất là cuộc trình diễn lại các trận chiến thắng năm xưa. Vì vậy thuyền đua là các loại thuyền lớn với trọng tải 5 - 6 tấn. Hội đua thuyền được diễn ra trong sự reo hò, cổ vũ của hàng ngàn khán giả trên bờ.
 
6. Hội Vàm Láng
 
Hội Vàm Láng diễn ra ngày 16 tháng 6 âm lịch. Vàm Láng là một vùng cửa sông thuộc xã Khổng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, chuyên làm nghề biển nên thờ cá Ông Voi làm vị thần bảo vệ.
 
Hàng năm, cứ vào ngày 16.6 âm lịch, ngư dân nơi đây lại tiến hành lễ hội rước cá ông Voi. Vào đêm ngày 15 sáng ngày 16, người ta chuẩn bị bàn thờ, lễ vật rồi tiến hành thắp hương tụng kinh. Một giờ sáng ngày 16, người ta làm cỗ mặn rồi đưa lên một chiếc thuyền chèo ra khơi để làm lễ rước ông. 
 
Theo nhiều người dân ở đây thì vào các dịp lễ hội, cá Ông Voi đều về dự. Cá Ông Voi phun lên trời những cột nước báo hiệu như là một hành động chứng giám cho lòng trung thành của dân làng. Người ta cho rằng, đó là điềm lành rất tốt cho việc làm ăn sinh sống.
 
7. Lễ hội Đền Lảnh Giang
 
Đền Lảnh Giang, còn có tên là Lảnh Giang linh từ, thường gọi là đền Lảnh, tọa lạc tại bên bờ sông Hồng, thuộc thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hàng năm, đền mở hai kỳ lễ hội, kỳ 1 được mở từ ngày 18 đến ngày 25/6 âm lịch, kỳ 2 được mở từ 18 đến 25/6 âm lịch.
 
Lễ hội Đền Lảnh Giang (Ảnh internet)
Lễ hội Đền Lảnh Giang (Ảnh internet)
 
Đền Lảnh Giang thờ vị thần nguyên là con rắn thứ ba, vì vậy thần tích ở đây có tên gọi “Hùng triều nhất vị thủy thần nhất thế sự tích” (nghĩa là sự tích ra đời một vị thủy thần triều vua Hùng). Người dân làng Yên Lạc xưa kia tôn phong vị thần này là Quan Lớn Đệ Tam. Quan Lớn Đệ Tam cư ngụ và cai quản sông Lảnh Giang nên còn được gọi là Quan Lớn Tuần Lảnh. Đền còn thờ Tiên Dung công chúa, con gái vua Hùng và Chử Đồng Tử - một trong bốn vị thần bất tử của dân tộc.
 
Lễ hội Đền Lảnh Giang bao gồm các nghi lễ: chồng kiệu, kéo cờ thần trước cửa đền, lễ cáo kỵ; rước kiệu thánh. Nhiều trò chơi dân gian phong phú được tái hiện như múa rồng, múa lân, chiếu chèo sân đền, hát chầu văn, đánh cờ người, chọi gà, đuổi vịt dưới nước... Ngoài ra, quanh năm du khách thập phương vẫn tìm về nơi đây cầu tài, cầu lộc.
 
Thương Huyền (T.H)
.