Vùng biển BR-VT đang vào mùa gió chướng. Sức gió mạnh, giật cấp 7-8 tác động đến dòng chảy tạo ra nhiều ao xoáy trên khắp các vùng biển, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tắm biển. Ngành du lịch BR-VT đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nêu cao công tác phòng ngừa nhằm bảo vệ tính mạng cho người tắm biển.

 


Theo tài liệu nghiên cứu, với chiều dài hơn 100km đường bờ biển của BR-VT quanh năm xuất hiện ao xoáy, số lượng nhiều ít, mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào mùa gió. Trong đó, ao xoáy hình thành trong mùa gió chướng, từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hàng năm dễ gây tai nạn cho người tắm biển nhất. Bởi vào khoảng thời gian này, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, thổi từ biển vào tạo hướng đến của sóng một góc 250 với đường bờ bãi biển. Từ đây, những cuộn sóng đến và những cuộn sóng rút xuống va chạm vào nhau làm dịch chuyển mạnh lớp cát dày trên bề mặt tạo thành những lỗ trũng trên biển. Ao xoáy hình thành trong khoảng thời gian này thường rất lớn và sâu, có thể dài 260m và sâu gần 1,5m. Khi biển động mạnh, ao xoáy có thể dịch chuyển khoảng 4m/ngày đêm.

Theo Ban quản lý các khu du lịch TP.Vũng Tàu, năm nay, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, gây triều cường lớn ăn sâu vào bờ, khi nước rút đi để lại nhiều ao xoáy trên mặt biển. Hiện tượng này thường xảy ra vào ngày đầu và giữa tháng theo âm lịch. Khi thủy triều lên, ao xoáy trở thành những cái “bẫy” chết người đối với người tắm biển vì bằng mắt thường không thể nhận biết, chỉ khi tiếp cận, cát dưới chân lở nhanh, người lọt thỏm xuống do bị lực xoáy hút vào, người không biết bơi sẽ chìm nhanh và ngộp nước, còn người biết bơi nếu mất bình tĩnh, cố vùng vẫy thoát ra thì càng đuối sức và sẽ bị dòng nước cuốn hút.

Ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, trước những diễn biến khó lường của thời tiết, để hạn chế tai nạn cho người tắm biển, Sở VHTTDL đã có thông báo nhắc nhở Ban quản lý khu du lịch các địa phương, chủ bãi tắm, khu du lịch tăng cường đội cấp cứu thủy nạn quan sát từ trên cao và túc trực trên biển để kịp thời cảnh báo nguy cơ và cứu người bị nạn, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới khi lượng khách đổ về BR-VT vui chơi tắm biển chắc chắn sẽ tăng cao.

Tùy thuộc vào đặc thù của từng vùng biển, Ban quản lý các khu du lịch mỗi địa phương cũng có những giải pháp riêng hạn chế nguy cơ đuối nước cho người tắm biển. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP.Vũng Tàu cho biết, ngoài cắm thêm biển bảng thông báo vùng nguy hiểm có ao xoáy, tăng lực lượng cứu hộ trực trên biển vào các buổi chiều, thứ bảy và chủ nhật khi bãi biển đông người tắm nhất, nhân viên cứu hộ bờ biển phải theo dõi thường xuyên đường dịch chuyển của ao xoáy, vùng nước sâu để cắm cờ đen cảnh báo khu vực nguy hiểm cấm tắm biển kịp thời.

Theo ông Huỳnh Thanh Sơn, người gần 35 năm làm nghề cứu hộ bờ biển - nếu chịu khó quan sát con sóng, bằng mắt thường có thể xác định vùng biển có ao xoáy. Theo đó, khi một con sóng đánh vào bờ, chỗ nào đầu sóng mất trong khi xung quanh sóng vẫn cuộn, nghĩa là ngay vị trí mất đầu sóng có ao xoáy phía dưới. Trong lúc tắm biển, nếu cảm giác nước xoáy mạnh, cát dưới chân sụt dần có nghĩa là đang lọt vào ao xoáy, cần nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực. Người biết bơi nếu rơi vào vùng xoáy, cần bình tĩnh, thả lỏng người, giữ cho cơ thể nổi. Theo quán tính, người tắm biển sẽ bị đẩy ra rất xa bờ nhưng khi thoát khỏi dòng nước ấy, chỉ cần hít thở đều rồi từ từ bơi vào bờ sẽ an toàn tính mạng.

 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.