Như những dân tộc anh em khác, ngôi nhà chính là nơi chốn yên bình, che nắng, mưa... của người Vân Kiều. Tìm được miếng đất vừa lòng thần linh, hợp ý gia chủ rồi cất dựng lên một ngôi nhà sàn để ở là ước vọng lớn nhất của người Vân Kiều. Trong sâu thẳm tâm hồn của người Vân Kiều, hướng đến thần linh, tổ tiên, những bậc thần lực vô hình một sự ngưỡng vọng cao độ nhất. Điều này thể hiện ở nghi lễ khánh thành nhà mới của người Vân Kiều.
  
 
Tục cúng tế vào nhà mới của người Vân Kiều diễn ra trong hai ngày. Trong đêm cúng đầu tiên, hai đằng nội ngoại đến đây trước để cùng chung vui với vợ chồng gia chủ. Theo lệ tục khách mời nội thân sẽ biếu gia chủ gạo nếp và rượu cần, ai có khả năng thì biếu chủ nhà thêm nhiều tiền bạc và của cải. Sau lượt cúng thứ ba (cuối cùng), gia chủ sẽ đáp lại tấm lòng thơm thảo của người thân bằng cách mời họ thưởng thức rượu cần, thịt gà, bánh nếp Ayơh để tỏ lòng cung kính. Khi bình minh của ngày cúng thứ 2 ló rạng cũng là lúc xóm làng, bạn bè thân hữu đáp lại lời mời gọi hội tụ đông đủ. Khuôn viên ngôi nhà sàn mới dựng của gia chủ lúc này rộn ràng hơn bao giờ hết. Chủ nhà sẽ tiếp nhận những lời chúc tụng, chúc phúc...
 
Sôi động nhất trong ngày người Vân Kiều vào nhà mới là màn nhảy múa tập thể giữa chủ nhà với khách mời đến dự. Men rượu cần và hương thơm của nếp rừng trong bữa tiệc chiêu đãi cùng với tiếng sáo pi, sáo sui, đàn plựa, đàn tín tùng làm cho gia chủ và khách khứa phấn chấn hơn. Họ bắt đầu hát trường ca, kể về chính họ, về những chuyến du cư đáp xuống miền đất mới phì nhiêu và rộng lớn hơn trong quá khứ... Làn điệu Si-nớt, khúc hát cội nguồn luôn theo người Vân Kiều trong vòng tuần hoàn cuộc sống vang lên âm vang núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
 
Đến với ngày hội này, ai ai cũng hứa với lòng mình phải hát thật mê say, nhảy thật nhuần nhuyễn để mang tới nhiều may lành cho gia chủ. Đó chính là căn tính tốt bụng, hết mình vì cộng đồng, là nét đẹp văn hóa thực tại gắn liền với bề dày truyền thống của người Vân Kiều.  
 
Theo Nguyễn Tiến Dũng (Báo Quảng Bình)
.