(BVPL) - Vẫn như mọi năm, cứ mỗi độ xuân về, cả nước lại diễn ra hàng loạt các lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. Riêng đối với người dân xứ Lạng, có một lễ hội mà không ai không biết đến, đó chính là Hội Đầu pháo Kỳ Lừa (TP Lạng Sơn).


Hôm nay, ngày đầu tiên của Hội Đầu pháo Kỳ Lừa (diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch) đã được khai mạc tại thành phố Lạng Sơn, thu hút hàng nghìn người đến tham dự.

 

Lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương đến tham dự
Lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương đến tham dự


Hội đầu pháo Kỳ Lừa có từ thế kỷ 17, gắn với một truyền thuyết lịch sử thể hiện lòng nghĩa hiệp của viên tướng thời Hậu Lê là Thần Công Tài. Lễ hội bắt đầu từ ngày 22 tháng giêng âm lịch bằng việc rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và kết thúc vào ngày 27 sau khi đã diễn ra hội cướp đầu pháo cùng nhiều trò chơi dân gian khác.


Lễ hội có nhiều nội dung phong phú như múa sư tử, chơi cờ người, đặc biệt là trò chơi cướp đầu pháo và rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và quay lại. Trong đó phong tục rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và quay lại, là nét độc đáo nhất của lễ hội, bởi không những mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn thể hiện sự kính phục của nhân dân với lòng nghĩa hiệp từ ngàn xưa cha ông để lại.

 

Phong tục rước kiệu từ Đền Kỳ Cùng lên Đền Tả Phủ là nét độc đáo nhất của lễ hội
Phong tục rước kiệu từ Đền Kỳ Cùng lên Đền Tả Phủ là nét độc đáo nhất của lễ hội


Lễ rước diễn ra rất trang trọng, đội múa rồng đi trước, đội múa sư tử múa vây quanh, đi đến đâu chiêng trống rợp trời, người người nhà nhà hân hoan theo đoàn đi qua phố Kỳ Lừa xuống đền Kỳ Cùng, đợi chính ngọ thì làm lễ đón ông Tuần Tranh lên kiệu.


Lễ xong, đoàn người rước kiệu đến đền Tả Phủ hạ kiệu làm lễ tạ ơn. Đến ngày 27 tháng Giêng. cũng vào giờ Ngọ, mọi người tập trung ở đền Tả Phủ làm lễ tạm biệt ông Tuần Tranh. Sau tuần lễ, kiệu bắt đầu được rước trở lại đền Kỳ Cùng với nghi thức long trọng như ban đầu.

 

Đề Tả Phủ
Người trẩy hội tấp nập trước cổng Đền Tả Phủ


Theo lịch sử ghi lại, đền Tả Phủ được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ 4 (1683) để thờ viên tướng thời Hậu Lê là Thân Công Tài - chức Tả đô đốc Hán quận công, vì thế nhân dân địa phương ngày xưa quen gọi là đền Tả Phủ. Ông Thân Công Tài là người có học, có tài được Trịnh Tạc trọng dụng bổ nhiệm lên Lạng Sơn làm phó tướng nhận chức Đô đốc giúp việc cho Vi Đức Thắng, trấn giữ nơi biên thùy. Trước kia, khu Kỳ Lừa khi ông chưa khai phá mở chợ thường hay bị lũ lụt ngập úng, khi dựng chợ ông cho mua sắm lễ đưa xuống đền Kỳ Cùng để cúng thần Giao Long (thần sông nước). Từ đó, chợ Kỳ Lừa không bị ngập úng nữa, nhân dân địa phương yên tâm họp chợ và họ cho rằng ông Thân Công Tài được thần sông phù hộ để lo việc đời, nên sau khi ông mất, nhân dân lập miếu thờ ông; hằng năm tổ chức lễ hội, rước thần Giao Long lên đền Tả Phủ, nhằm mục đích cầu mong thần Giao Long luôn phù hộ cho ông Thân Công Tài và nhân dân địa phương luôn gặp những điều may mắn, có được cuộc sống yên vui tốt lành.

 

Múa lân trước cổng Đền Tả Phủ
Múa lân trước cổng Đền Tả Phủ


Ông Tô Văn Long, trú tại Lê Đại Hành, phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn cho biết, tính đến nay ông đã hơn 50 lần được tham dự lễ hội, dù đi làm xa ở đâu, cứ lễ hội là ông lại về. Hội là dịp bạn bè cũ gặp nhau, mời nhau chén rượu Mẫu Sơn, hàn huyên tâm sự. Quan trọng hơn, theo ông Long, có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn nên ông cảm thấy Hội đầu pháo Kỳ Lừa rất đặc biệt, nó mang những bản sắc rất riêng của Xứ lạng, rất đông vui, tấp nập, nhưng vẫn mộc mạc, giản dị và ấm cúng.

Bên cạnh lễ rước kiệu, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân gian như cờ người, kéo co, đẩy gậy, hát giao duyên các điệu sli, lượn…, đã thực sự làm tưng bừng cả thành phố. Đặc biệt nhất phải kể đến trò cướp đầu pháo. Đầu pháo gắn một vòng kim loại, cuốn vải cẩn thận, trước khi đốt được đem ra sau đền làm lễ cúng thần.


Khi pháo nổ, vòng kim loại hất lên không trung là lúc mọi người xông vào tranh cướp đầu pháo. Ai tranh được thì đem đến trình với thần đền và Ban tổ chức lễ hội để lấy phần thưởng. Cùng với phần thưởng được trao, những người thắng cuộc sẽ mang đầu pháo về thờ để cầu may. Tương truyền những người thờ đầu pháo sẽ được phúc đức, an lành suốt cả năm, nhưng mỗi đầu pháo chỉ được thờ một năm, đến mùa hội sau gia chủ phải mang đầu pháo ra đền làm lễ tạ rồi trao trả lại cho đền để chuẩn bị cho Hội Đầu pháo mới.


Kết thúc Hội Đầu pháo cũng là kết thúc tháng ăn chơi, nhưng không khí tưng bừng, náo nức của hội chính là điềm báo về một năm mới an khang, thịnh vượng


Đặng Sinh