Vị trí địa lý của Đà Nẵng là một trong những lợi thế so sánh so với nhiều tỉnh, thành phố của cả nước, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều "đặc ân" với đủ sông, núi, biển, rừng...

 

Bên cạnh đó, Đà Nẵng có vị trí chiến lược là thành phố động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên, cửa ngõ phía Đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa vào của các Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới ở miền Trung... Từ lợi thế đó, Đà Nẵng có điều kiện để mở rộng giao thương, giao lưu kinh tế, văn hóa, thể thao và là điểm du lịch hấp dẫn với cả hai miền Bắc và Nam, với các nước trong khu vực và thế giới.

 

Đi vào cụ thể, Đà Nẵng có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, đồng bộ, có đủ 4 loại đường giao thông thông dụng là đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, các công trình được quan tâm, đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, bước đầu đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao và du lịch... Bên cạnh đó, với hơn 20 km bờ biển bằng phẳng, biển cát trắng, nước biển trong xanh, Đà Nẵng có ưu thế cho việc phát triển du lịch, bất động sản. Với lợi thế đó, trong quy hoạch bất động sản du lịch, Đà Nẵng ưu tiên những dự án phát triển theo hướng đầu tư, xây dựng khu phức hợp, biệt thự, khu nghỉ dưỡng ven biển. Các dự án du lịch đang khẩn trương, tích cực triển khai xây dựng. Bên cạnh đó, thành phố đã tăng cường đầu tư, xây dựng Khu du lịch Bà Nà và vùng phụ cận trở thành một khu nghỉ dưỡng núi đặc trưng riêng của thành phố. Ngoài ra, thành phố còn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vùng Sơn Trà, Hải Vân, Đồng Nghệ - Phước Nhơn kết hợp với vùng Bạch Mã, Cù lao Chàm tạo thành liên vùng du lịch sinh thái đa dạng và đặc sắc...

 

Có thể thấy được những khởi động đầu tiên của Đà Nẵng trong định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng bằng những dự án bất động sản du lịch. Bằng chứng là giai đoạn từ năm 2006 - 2010, Đà Nẵng đã và đang triển khai một số công trình trọng điểm phục vụ việc phát triển các dự án bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng như xây dựng, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối với khu du lịch Thủy Tú, Suối Mơ, Xuân Thiều, đường lên khu du lịch bán đảo Sơn Trà, tuyến đường Bạch Đằng Đông, Bạch Đằng Tây - nối dài, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Trường Sa.

 

Về lâu dài, theo ý kiến của một số nhà tư vấn nước ngoài, để đạt được mục tiêu thành phố du lịch, bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng, trước hết, Đà Nẵng phải quan tâm đầu tư để hình thành được ít nhất 30 khu nghỉ dưỡng, khách sạn có quy mô từ 4 đến 5 sao trở lên. Ngoài ra, cần hình thành khoảng 4 trung tâm nghỉ dưỡng và giải trí đặc biệt là Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Sơn Trà Disneyland, Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, tổ hợp Du lịch cao cấp Làng Vân..., đi kèm đó là các trung tâm giải trí lớn, hoạt động trong nhà và bên ngoài; phát triển trung tâm bến du thuyền và các thuyền du lịch hoạt động ngày đêm trên sông Hàn và trên khu vực ven biển đến Hội An, Cù lao Chàm, Huế và các địa danh du lịch hấp dẫn khác... Với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố là dịch vụ - du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, cùng với mục tiêu xây dựng ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu của Đà Nẵng là phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng quan trọng của đất nước, có môi trường xanh, sạch và đẹp.
Khách du lịch đến với bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

 

Bên cạnh việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thành phố cũng quan tâm nhiều đến phát triển nguồn nhân lực để có thể theo kịp đà phát triển của hạ tầng. Cụ thể là thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp, điều hành du lịch; mở các lớp đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn, nghiệp vụ khách sạn, nghiệp vụ tiếp thị du lịch, tổ chức sự kiện du lịch, nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch; đào tạo tiếng Thái, Nhật và tiếng Trung... Ngoài ra, để từng bước chủ động nguồn nhân lực du lịch cho Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Đà Nẵng và miền Trung.

 

Với sự quyết tâm của lãnh đạo, Đảng, chính quyền thành phố, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, sự phát triển về lĩnh vực du lịch đặc thù này của Đà Nẵng sẽ mạnh mẽ hơn khi Chính phủ và bộ, ngành Trung ương có những chủ trương thiết thực hỗ trợ địa phương trong việc phát huy và khai thác tiềm năng. Đó là Kết luận số 75/KL-TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX "Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", là Nghị định Quy định cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý cho Đà Nẵng  đang trình Thủ tướng Chính phủ trước khi thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn y, dự kiến ban hành trong năm 2016. Đặc biệt, quyết tâm của thành phố trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng, còn thể hiện rõ nét trong 3 đột phá về kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016 -2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 21 đã đề ra, cụ thể là trong Đột phá thứ nhất là "Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại...". Tất cả, đó là những chủ trương mang tính nền tảng để du lịch Đà Nẵng "cất cánh".

 

Đà Nẵng phải mở rộng ra thế giới nếu muốn lớn mạnh và phồn vinh. Với những chủ trương, định hướng đúng đắn cùng với tiềm năng phong phú do thiên nhiên ban tặng, Đà Nẵng  hoàn toàn có điều kiện để trở thành một thành phố có môi trường biển ấn tượng tầm cỡ thế giới, thuận lợi cho việc phát triển lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng.

 

Theo Báo Công An Đà Nẵng

.