Được biết, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh dự kiến đón 19 triệu lượt khách du lịch, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt khoảng 3,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 46.460 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước.
Thời gian qua, nhằm thu hút khách du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai kế hoạch phát triển 67 sản phẩm du lịch mới trong năm 2024, trong đó tập trung vào các giá trị độc đáo của địa phương như: Du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử; các tour du lịch biển đảo và hành trình di sản.
Tính đến nay, đã có 38/67 sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác. Một số điểm nhấn tiêu biểu bao gồm Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024, tổ hợp vui chơi - giải trí ngọn Hải Đăng, khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn, khách sạn Angsana Quan Lạn Hạ Long Bay (Vân Đồn), các dịch vụ du thuyền cao cấp và tour du lịch “Hành trình di sản.”
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng công nhận 21 hành trình du lịch mới trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Các sản phẩm còn lại đang được hoàn thiện và dự kiến khai thác vào cuối năm 2024.
|
|
Cảnh đẹp kỳ vỹ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) thu hút nhiều du khách nước ngoài đến thăm quan. Ảnh: Internet. |
Đáng chú ý, trong năm qua, tỉnh Quảng Ninh cũng không ngừng mở rộng kết nối với các hãng du lịch tàu biển lớn và phát triển các chuyến bay quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn từ các thị trường như Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã duy trì ổn định 10 thị trường khách quốc tế chính, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pháp, Australia, Anh, Đức và Nhật. Trong đó, thị trường Ấn Độ ghi nhận nhiều khởi sắc, đặc biệt với sự xuất hiện của các đoàn tham quan từ các công ty và tỷ phú lớn.
Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh dự kiến triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng như: Tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch: Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tận dụng tối đa cơ hội từ các thị trường quốc tế và nội địa; đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ: Phát triển các loại hình du lịch mới, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị dịch vụ; thúc đẩy phát triển bền vững: Xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ, khắc phục những điểm nghẽn trong cơ chế và chính sách.