|
|
Khách du lịch tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. (Ảnh: K.V) |
Cùng với đó, doanh thu từ du lịch của tỉnh này cũng đã đạt 342 tỷ đồng, tăng gần 9%. Những điểm du lịch thu hút khách đến tham quan đông là Khu du lịch Suối Mơ (huyện Tân Phú); Khu du lịch Bửu Long, Vườn Xoài (TP.Biên Hòa); Khu du lịch Làng tre Việt, Bò Cạp Vàng (huyện Nhơn Trạch) và Khu du lịch núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc)...
Có được kết quả trên là do trong thời gian qua, Đồng Nai đã tập trung đầu tư cho các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh. Để đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Đồng Nai đã và đang tăng tốc triển khai hàng loạt giải pháp để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Theo đó, tỉnh này đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ ngành du lịch, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách.
Với các địa danh, phong cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên; Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; thác Giang Điền, thác Mơ, hồ Trị An..., Đồng Nai ngày càng được nhiều khách du lịch tìm đến, nhất là từ du khách từ TP. Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh hiện có 21 khu du lịch, với nhiều điểm vui chơi, nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp. Du lịch Đồng Nai phần lớn là du lịch sinh thái, loại hình được xem là khá hấp dẫn du khách nước ngoài.
So với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ, du lịch Đồng Nai có lợi thế hơn hẳn về tự nhiên. Nếu như du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên thường được khách quốc tế, chủ yếu là từ các quốc gia như Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch… trải nghiệm, thì những chuyến dã ngoại dọc sông Đồng Nai ngày càng được nhiều người dân TP.Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) lựa chọn.
Nhằm tạo điểm nhấn nhằm níu giữ khách dừng chân lâu hơn, ngành du lịch Đồng Nai quyết tâm tạo đột phá phát triển từ những lợi thế sẵn có về rừng và sông. Tỉnh định hướng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết với các địa phương; tiếp tục nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có, tạo ra các sản phẩm mới…
Điển hình như Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai có hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài động, thực vật đặc hữu trên thế giới và Việt Nam, cùng với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, như: Trung ương Cục miền Nam; Khu ủy miền Đông. Giám đốc Khu bảo tồn Trần Văn Mùi cho biết, để phát triển du lịch kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, đơn vị đang làm chủ Đề án quy hoạch, phát triển du lịch đến năm 2030, với tổng kinh phí 1.172 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng các phương án thu hút nguồn đầu tư từ xã hội hóa, phát huy lợi thế về rừng, tạo ra sản phẩm du lịch có thế mạnh.
Được biết, năm 2017 tỉnh Đồng Nai đã thu hút được số lượng khách tham quan, lưu trú lên đến hơn 3,4 triệu lượt người, mang lại doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Theo quy hoạch phát triển ngành du lịch Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có tới 28 danh mục dự án và nhóm dự án với tổng vốn đầu tư cần huy động hơn 19.700 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú tăng 12%/năm, với mục tiêu đạt khoảng 5 triệu lượt người vào năm 2020, tương đương doanh thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng.
K.V/ĐCSVN