‘Mở cửa’ bầu trời!

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), ngay sau khi Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3/2022 và tiếp đó là khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022, các hãng hàng không trong nước và quốc tế đã từng bước khôi phục hoạt động khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam.

Vào giai đoạn cuối tháng 3/2022, ba hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airaways và 25 hãng hàng không nước ngoài đã khai thác trở lại 67 đường bay đi/đến Việt Nam với 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines, Úc, Đức, Pháp, Anh, Nga, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ).

Tổng số chuyến bay quốc tế đạt khoảng 6 nghìn chuyến bay với số khách vận chuyển đạt khoảng 224 nghìn hành khách trong tháng 3/2022. Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang...đều tăng tần suất.

leftcenterrightdel
 Sáng ngày 23/1 Khánh Hòa đón chuyến bay từ Thành Đô, Trung Quốc đến Sân bay quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Chi Giang.

Tuy nhiên, Cục KHVN đánh giá, trong khi khách du lịch nội địa phục hồi khá nhanh chóng và thiết lập kỷ lục mới thì lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Năm 2022, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với kế hoạch đề ra và bằng 19% so với kết quả năm 2019.

Quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Đánh giá của Cục HKVN, trong giai đoạn quý II/2022, tốc độ hồi phục của hoạt động khai thác trên các đường bay quốc tế diễn ra chậm mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống nhưng tần suất còn thấp do nhu cầu thị trường rất thấp. Lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm người thân, kinh doanh mà lượng khách du lịch, vốn là nguồn khách chính chiếm 70% khách hàng ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế.

Đâu là giải pháp?

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang, cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến ngành Du lịch khó cạnh tranh so với các nước trong khu vực như hiện nay, là giá vé máy bay cao. Điều này làm cho khách ít sự lựa chọn và là yếu tố tác động tới việc khách quyết định không đến hoặc không trở lại Việt Nam.

Ông Hà dẫn chứng, đầu năm 2023, Lux Travel DMC - một thành viên của Lux Group đã có một đoàn khách Ý 30 người đăng ký tham quan Việt Nam trong 16 ngày. Tuy nhiên, giá vé máy bay quá cao và không có đường bay thẳng từ Ý đã khiến khách hàng quyết định hủy chuyến.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: BTC.

Một đoàn khách khác từ nước Anh cũng đã phải từ bỏ kế hoạch du lịch Việt Nam vì giá vé máy bay quá cao, thay vào đó, họ đã chọn Thái Lan do đường bay thuận tiện và giá vé tốt hơn.

“Tôi đã đi công tác tại hội chợ WTM London (Anh) và ITB Berlin (Đức) và nhận thấy giá vé từ Việt Nam đi các nước này đã cao gấp đôi so với thời điểm trước năm 2019, khi chưa xuất hiện dịch COVIDd-19.”, ông Hà nói, cho rằng, cần thiết lập mặt bằng giá mới.

Cùng với cải thiện hạ tầng hàng không, theo Chủ tịch Lux Group, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cảng biển du lịch cho tàu quốc tế thuận lợi tiếp cận, sao cho các tàu siêu lớn vào được cảng mà không phải tăng bo.

Mặt khác, ông Phạm Hà cho rằng, cần khẩn trương đưa kinh tế ban đêm vào hoạt động với nhiều trải nghiệm khác nhau để khách có nơi tiêu tiền, thời gian khách chi tiêu trong ngày nhờ vậy có thể kéo dài gấp đôi.

leftcenterrightdel
 Bà Nhữ Thị Ngần - Tổng Giám đốc Hanoi Tourism 'hiến kế' tại hội thảo. Ảnh: XH.

“Việt Nam cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách du lịch đến du lịch nước ta dễ dàng hơn và giá cả hợp lý hơn. Họ cần được “vui vẻ”, được “chiều chuộng”, tận hưởng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và sáng tạo, đầy cảm xúc, từng điểm chạm đều mang lại sự hài lòng và tạo nên lượng khách chất lượng hơn.”, ông Hà nói, nhấn mạnh, Du lịch Việt Nam cần đặt khách hàng là trung tâm và phát triển các sản phẩm trải nghiệm mới, sáng tạo, phù hợp với bản sắc dân tộc và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Cùng với việc cho rằng, 2 ngành Hàng không và Du lịch cần xác định các thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể; phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu; xây dựng kế hoạch quảng bá- tiếp thị phù hợp và phối hợp các kênh bán hàng để tạo ra các sản phẩm cùng chuẩn, ông Nguyễn Văn Tấn - ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị, các đơn vị quản lý nhà nước và kinh doanh tại các cảng hàng không quốc tế Việt Nam sớm có giải pháp hoàn thiện hơn nữa dịch vụ - hạ tầng phục vụ khách ở sân bay, thủ tục xuất nhập cảnh, đảm bảo văn minh, sạch theo chuẩn quốc tế nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách xuyên suốt hành trình: từ hứng khởi mua tours - hài lòng với dịch vụ chuyến bay - háo hức khi đặt chân tới Việt Nam - tận hưởng chuyến du lịch như mong đợi - thỏa mãn hoặc không có bất cứ khó chịu nào tại thời điểm xuất cảnh.

leftcenterrightdel
 Ngành du lịch nói chung còn thiếu những sản phẩm du lịch độc đáo. Ảnh: NH.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh- Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho rằng, để xây dựng các điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với xu hướng du lịch mới, gắn với du lịch bền vững. Cũng như nhiều ý kiến khác, theo bà Thanh, cần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm nhằm giảm thiểu tính mùa vụ cũng như việc triển khai xây dựng và khai thác tối đa hiệu quả của kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch.

Về phía Cục HKVN, cần có cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho việc phát triển các đường bay mới, tăng tần suất chuyến bay từ các thị trường khách trọng điểm đến các sân bay quốc tế tại Việt Nam. Các Hãng hàng không cùng đồng hành với ngành Du lịch nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực vào Việt Nam.

Điều không kém phần quan trọng, theo bà Thành, đó là chú trọng công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; đẩy mạnh công tác e-marketing đang là xu thế hiện nay nhằm nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác công nghệ thông tin phục vụ kết nối phát triển thị trường đối với các thị trường quốc tế.

leftcenterrightdel
 Khánh Hòa đón đoàn du khách Hàn Quốc đầu tiên trở lại Nha Trang bằng đường hàng không, ngày 20/5/2022. Nguồn: baokhanhhoa.

Mô xẻ nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế chậm phục hồi, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, vấn đề visa chậm được tháo gỡ, trong khi hạ tầng hàng không và thủ tục xuất nhập cảnh còn bất cập; sản phẩm du lịch chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,  phát triển du lịch bền vững chậm.

Cùng quan điểm với Chủ tịch Lux Group Phạm Hà, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel, cho rằng, nhu cầu chi tiêu của khách du lịch vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình chuyến đi, tuy nhiên các sản phẩm du lịch- dịch vụ kinh tế đêm của Việt Nam hiện chưa được chú ý, chỉ tập trung ở một số loại hình và còn đơn điệu, vừa không khai thác được tiềm năng du lịch, vừa không đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách quốc tế.

V.H