|
|
Một góc chợ phiên tại Bản Sin Suối Hồ, xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. |
Xác định rõ những thế mạnh này, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đến nay, Lai Châu có 12 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh và 1 điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu ASEAN (bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Ngoài ra, địa phương còn sở hữu hệ thống các làng, bản có tiềm năng trở thành điểm du lịch cộng đồng nằm tập trung tại các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Than Uyên và từng bước mở rộng đến các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn.
Trên cơ sở Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc "phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam", tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam trên địa bàn đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của địa phương nhưng vẫn đảm bảo tính khác biệt, tạo điểm nhấn thu hút khách trên tuyến “Vòng cung Tây Bắc”. Qua đó, từng bước định vị thương hiệu du lịch cộng đồng Lai Châu trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, tỉnh thống nhất nhận thức, quan điểm gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân; đẩy mạnh phong trào xây dựng kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Cùng với đó, địa phương phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn và hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, phát triển du lịch theo hướng bền vững; bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề tại chỗ cho cộng đồng dân cư, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, trên 92% điểm du lịch cộng đồng được công nhận có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% điểm du lịch cộng đồng có đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, hiệu quả; 70% chủ cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch.
Lai Châu phấn đấu 80% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn (trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ); mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 1 nhân viên biết ngoại ngữ; công nhận thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng.
Địa phương phấn đấu có 10% làng nghề truyền thống; 100% điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận sẽ được giới thiệu, quảng bá; trên 70% điểm du lịch cộng đồng sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; trên 30% các điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh được số hóa.
Lai Châu xây dựng bản Sin Suối Hồ trở thành mô hình điểm về du lịch cộng đồng để giới thiệu, nhân rộng tại tỉnh, khu vực và cả nước. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030 có 2 mô hình du lịch cộng đồng ASEAN; các điểm du lịch cộng đồng đón và phục vụ trên 30% trong tổng lượt khách đến tỉnh.
Năm 2024, ngành Du lịch Lai Châu đã có “bước nhảy vọt” đáng kể với việc đón và phục vụ 1.359.000 lượt khách (trong đó, khách quốc tế ước đạt 30.500 lượt) tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 20,5% mục tiêu đề ra; doanh thu ước đạt trên 1.084 tỷ đồng. Năm 2025, Lai Châu tiếp tục đặt mục tiêu đón trên 1,4 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt trên 1.136 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, để đạt được mục tiêu trên, ngành tiếp tục tập trung truyền thông, quảng bá điểm đến Lai Châu với nhiều nội dung và hình thức mới; đồng thời chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn trên cơ sở tiềm năng thế mạnh địa phương. Từ đó, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến Lai Châu không chỉ trong năm 2025 mà còn cả giai đoạn tới.
|
|
Người dân tại Bản Sin Suối Hồ vẫn giữ được trang phục truyền thống và đặc tính thân thiện mến khách. |
Việc ban hành kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo thêm sản phẩm du lịch cộng đồng mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tăng giá trị trải nghiệm cho du khách khi đến Lai Châu. Từ đó, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.