(BVPL) - Trầm hương là một đặc sản quý, hiếm và là một thương hiệu rất nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Trồng cây dó bầu tạo trầm, kinh doanh các sản phẩm từ trầm hương hiện đang là lĩnh vực khá phát triển ở Khánh Hòa.
Đến với xứ trầm hương
Trầm hương là một đặc sản quý, hiếm và là một thương hiệu rất nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Trồng cây dó bầu tạo trầm, kinh doanh các sản phẩm từ trầm hương hiện đang là lĩnh vực khá phát triển ở Khánh Hòa.
“Vấn đề ở chỗ rất nhiều người không biết trầm hương là cái gì, từ đâu mà có, thành phần và tác dụng ra sao, cách thưởng trầm thế nào,.. Nắm bắt nhu cầu này, chúng tôi đã mở cửa giới thiệu cho du khách biết một cách khái quát về hoạt động sản xuất trầm hương của mình, để du khách có thể tận mắt mục sở thị các công đoạn, quá trình tạo, khai thác, chế tác cũng như lịch sử và văn hóa thưởng trầm, giá trị, công dụng và các nghiên cứu trên thế giới về trầm hương”- Phạm Anh Tuấn- chủ cơ sở Trang trại Hoàng Trầm Khánh Hòa cho biết.
Trang trại Hoàng Trầm nằm ngay trên bờ sông Cái, trên tuyến đường Nha Trang- Đà Lạt, cách không xa phố biển Nha Trang và Thành cổ Diên Khánh. Trong một vùng đồi bát úp trùng điệp rộng 30 ha, hơn 30.000 cây dó bầu, phần lớn đã hơn chục năm tuổi đã được cấy tạo trầm, tạo nên những vạt rừng xanh rất thơ mộng.
Ngay giữa rừng dó bầu, từ hơn hai năm trước, Trang trại Hoàng Trầm đã xây dựng một xưởng chế tác, cũng là điểm đặt bảo tàng trầm hương và trưng bày các sản phẩm từ trầm, gồm hàng chục sản phẩm mỹ nghệ, từ vòng đeo, tượng đến các loại nhang trầm, trà trầm,..
Đến Trang trại Hoàng Trầm, ngoài được thăm quan bảo tàng trầm hương, nghe giới thiệu lịch sử, văn hóa thưởng trầm cũng như các sản phẩm từ trầm hương, du khách còn được thăm quan rừng dó bầu, xem biểu diễn kỹ thuật tạo trầm tại thực địa, trực tiếp quan sát các công đoạn sản xuất, và cách thưởng trầm,..
“Hiện nay chúng tôi đã kết nối được với Pháp viện Thánh Sơn và di sản Tháp Bà Poonaga, hình thành tour du lịch về sản phẩm đặc trưng của xứ trầm hương gắn với vắn hóa tâm linh”- Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Làm nông dân trong tour “Hương đồng gió nội”
Khu du lịch sinh thái Nhân Tâm (Diên Khánh), từ lâu được biết đến như là một cơ sở du lịch tiên phong, khai thác, giới thiệu những sản phẩm truyền thống của Khánh Hòa và Việt Nam, bằng loại hình du lịch sinh thái. Cùng với việc tạo dựng những hình ảnh gần gũi, đặc trưng của miền trung du và nông thôn Việt Nam với con suối, cầu treo, những ngôi nhà cổ, vườn cây trái đến những trò chơi dân dã, khu du lịch sinh thái Nhân Tâm còn giới thiệu nhiều nghề truyền thống, những dịch vụ lạ (như bàn cổ tự xoay). Trong vùng rừng rộng 15 ha, ngoài vườn cây trái, Nhân Tâm còn trồng, khoanh nuôi nhiều loại cây nông nghiệp, lâm nghiệp như: tre trúc, dó bầu, dâu tằm,..
“Chúng tôi đã gây dựng được nghề dệt chiếu, nghề trồng dâu, nuôi tằm và đang xúc tiến để sắp tới hình thành nghề đúc đồng. Mọi thứ đều là người thực việc thực và tạo ra sản phẩm thương mại mà không phải là biểu diễn”- ông Cù Văn Thành, chủ cơ sở du lịch sinh thái Nhân Tâm, tâm sự.
Thú vị hơn, trong tour “Hương đồng gió nội” du khách còn được lót dạ bằng món ăn dân dã (khoai lang, khoai mì) trước khi tham gia trò chơi “Tát mương bắt cá” trong trang phục đồ bà ba truyền thống Việt Nam. Từ số cá bắt được, du khách sẽ tự tay chế biến các món ăn (món cá nướng trui, thui rơm,..) theo cách thức truyền thống, tự tay hái rau trong vườn nấu nướng và thưởng thức thành quả của mình.
“Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng hệ thống nhà nghỉ trên cây với những vật dụng và nội thất truyền thống, bằng tre, gỗ,.. và hoàn toàn không sử dụng điện. Khách quốc tế tỏ ra rất “ưa” trải nghiệm với các dịch vụ sinh thái gần gũi với thiên nhiên này”- ông Thành bật mí.
Khám phá cuộc sống của đồng bào Raglai
Trong số các khu du lịch sinh thái, gắn với khai thác rừng và cảnh quan tự nhiên, Công viên du lịch Yang Bay (Tổng công ty Khánh Việt KHATOCO) là khu du lịch sinh thái có quy mô nhất với diện tích gần 600 ha. Với lợi thế không gian lớn, địa hình tự nhiên đa dạng với rừng tự nhiên, quần thể hồ nước, sông suối và thác nước gắn với núi, rừng, Yang Bay đủ chỗ để hình thành các khu vườn rừng thuần loại, vườn chim thú với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, trong đó tập trung khai thác vốn văn hóa truyền thống của người dân bản địa là đồng bào dân tộc Raglay, thông qua tổ chức các lễ hội dân gian, đêm lửa trại giao lưu với người dân bản địa,..
Chương trình biểu diễn ca nhạc dân tộc dân dã với các nhạc cụ truyền thống và điệu múa “mừng lúa mới” đặc trưng của đồng bào Raglay, được cho là dịch vụ “xương sống” và cũng là điểm nhấn dịch vụ của Yang Bay. Những âm thanh lạ tai từ những nhạc cụ đơn giản, lạ mắt của đàn đá, đàn angKlung, đàn K’long Pút, sáo taleploi,.. do chính người dân bản địa biểu diễn, chính là điểm cuốn hút du khách.
Chưa hết, Yang Bay còn có “đặc sản” mới lạ là tour khám phá cuộc sống, cách thức bắt cá, “hái lượm”, khai thác lâm đặc sản trong rừng của đồng bào Raglay.
“Yang Bay đang tập trung xây dựng các dịch vụ gắn với văn hóa truyền thống và cuộc sống của đồng bào bản địa như là một sản phẩm đặc trưng. Thực tế các dịch vụ này đang rất “hút” du khách, cũng chính là những sản phẩm đề lại dấu ấn cho khu du lịch”- anh Phạm Quốc Tuấn- Trưởng phòng kinh doanh công viên du lịchYang Bay cho biết.
Nguyễn Huân