Tháng 5, tháng 6 ngành du lịch tung ra gói kích cầu “rẻ chưa từng có” trên khắp cả nước nhằm phục hồi phần nào doanh thu cho doanh nghiệp nội địa.

Tuy nhiên, đang trên đà tăng trưởng, một số doanh nghiệp mới bắt đầu gắng gượng hoạt động trở lại, “làn sóng” Covid thứ 2 lại ập đến, bồi thêm cú đánh trời giáng khiến nhiều công ty lao đao, đối mặt với nguy cơ phá sản.

Dù chưa kịp phục hồi sau hai cú “đánh bồi” liên tiếp của đại dịch, song thời điểm này nhiều công ty, doanh nghiệp lữ hành đã bắt tay lên kế hoạch kích cầu lần 2 khi thông tin về dịch bệnh tạm thời yên ắng.

leftcenterrightdel
 Lần kích cầu đợt 2 sẽ không tập trung vào giá mà hướng đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Trong ảnh là du khách tham quan làng Việt Hải (Cát Bà, Hải Phòng). Ảnh: Hà Trang.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Công ty Flamingo Redtours (HanoiRedtours) cho hay, lần kích cầu thứ 2 sẽ có nhiều thách thức hơn so với thời điểm lần 1.

Tháng 9 là mùa thấp điểm du lịch, các gia đình đã trở lại guồng quay bình thường: học sinh đi học, bố mẹ đi làm chưa kể kinh tế cũng bị “ngấm đòn” do đại dịch. Nhu cầu đi chơi, nghỉ dưỡng vì thế sẽ không lớn và ồ ạt như thời điểm trước đó.

Ngoài ra, lần kích cầu lần 1 tập trung vào giá với các chương trình, combo giảm giá sâu nên phần nào tạo sức hút mạnh mẽ cho người tiêu dùng.

Lần kích cầu thứ 2 này “giá tour” không còn là yếu tố quá hấp dẫn mà các doanh nghiệp cần phải có các sản phẩm độc đáo mang lại trải nghiệm khác biệt cho du khách.

“Thay vì tập trung ồ ạt tất cả các điểm đến, lần này chúng tôi đưa ra các sản phẩm theo điểm đến đẹp ví dụ như: Khám phá mùa vàng Tây Bắc, ngắm hoa dã quỳ Tây Nguyên hay trải nghiệm mùa nước nổi ở miền Tây... Các tour có giá tốt nhưng không giảm giá quá sâu mà chú trọng đến chất lượng mới mẻ, hấp dẫn, ấn tượng cho du khách”, ông Hoan khẳng định.

Cùng chung nhận định, ông Trần Trung Kiên, Phó trưởng phòng Tiếp thị và truyền thông Công ty Vietrantour cũng cho rằng, chương trình kích cầu sau đợt dịch lần 2 sẽ khó tạo được hiệu ứng bùng nổ như hồi tháng 6 và tháng 7.

Các doanh nghiệp du lịch vì thế cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn.

“Thời điểm này, nhiều điểm du lịch vẫn chưa mở cửa trở lại, tâm lý của khách vẫn e dè. Đây cũng là tháng thấp điểm du lịch nên để phục hồi lại hoạt động của ngành sẽ không dễ dàng”, ông Kiên nói.

leftcenterrightdel
 Theo đánh giá của các công ty du lịch sức bán tour du lịch thời điểm này chỉ bằng khoảng 30% so với thời điểm tháng 6, tháng 7. Ảnh: Hà Trang.

Hiện nay, các sản phẩm tour du lịch trên thị trường chủ yếu là sản phẩm tour ngắn ngày thiên về trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, nghỉ dưỡng... dành cho các gia đình, nhóm khách đi vào cuối tuần. Ngoài ra có thêm các sản phầm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, sự kiện) cho các công ty.

Dù nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm tour hấp dẫn, mới mẻ nhưng theo đánh giá của các công ty du lịch sức bán tour du lịch thời điểm này chỉ bằng khoảng 30% so với thời điểm tháng 6, tháng 7.

Các công ty du lịch cũng chung nhận định, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, việc mở lại đường bay quốc tế sẽ giúp du lịch sáng sủa, nhiều triển vọng hồi phục tốt hơn.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết hiện nay đơn vị này vẫn đang tập trung nghiên cứu kịch bản cho lần kích cầu thứ 2.

Trong khi đó, thông tin từ Tổng cục Du lịch cho thấy, trong bối cảnh này du lịch nội địa được xem là phương án “giảm xóc” hiệu quả giúp các điểm đến vượt qua khó khăn, từng bước hồi phục trở lại trước các “tổn thương” bởi dịch bệnh.


leftcenterrightdel
 Du lịch nội địa được các doanh nghiệp dồn lực kích cầu trong bối cảnh dịch bệnh. Trong ảnh là con đường thổ cẩm độc đáo trên đỉnh P'apiu ở Hà Giang. Ảnh: Hà Trang.

Trước đây, kế sách dồn lực kích cầu du lịch nội địa cũng đã được Việt Nam vận dụng thành công trong giai đoạn vượt khó khi chịu các tác động của dịch SARS năm 2003, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2009… Nhờ đó, du lịch Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

Hàng năm, đóng góp về doanh thu của du lịch nội địa ở Việt Nam cũng rất ấn tượng, chiếm khoảng 40% đến 45%, khá cân đối so với doanh thu từ du lịch quốc tế.

Điều này cho thấy du lịch nội địa có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các sản phẩm để phù hợp với xu hướng mới là: du lịch an toàn, trải nghiệm hấp dẫn. 

Theo Dân trí