Đó là xóm Lưới Cát Hải, Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Có 2 hướng đi về đây. Hướng TP.Quy Nhơn qua Khu kinh tế Nhơn Hội và hướng Quốc lộ 1 rẽ sang Chợ Gồm về cửa Đề Gi rồi vào cùng một đường chạy qua một bên là núi Bà, một bên là biển Đông.
 
 
Tôi leo 20 bậc tam cấp, đến ngôi chùa ở điểm cao nhất trên cùng, chợt gặp một vị sư nở nụ cười tiêu sái, nói: "Quý khách đến đây nên uống nước từ lòng núi chảy ra cho khỏe. Nhà chùa chỉ dùng nước này". Sư đưa tôi cái ca thủy tinh. Tôi mở vòi. Nước từ ống dẫn chảy ra trong veo, có vị mát ngọt lạ thường. Sư ông lại bảo, quý khách đến đây, nên viếng hang Tổ cho biết. Hang Tổ là nơi Ông Núi tu với 2 ông cọp mun. Khi Ông Núi viên tịch, 2 ông cọp mun ấy vẫn tu ở hang Tổ, không hại ai, chỉ ăn lá và trái cây mà sống.
 
Đường lên hang Tổ hiểm trở hơn đường từ chân núi lên chùa. Cứ leo chừng 50 bậc đá lại có mũi tên chỉ đường lên tiếp. Chiều tà. Du khách xuống núi hết, tôi vẫn cố leo. Tới lúc xuất hiện mũi tên chỉ ngang “lối vào hang Tổ”, tôi mới thấy mình lên đến đỉnh núi, bên con suối và tượng Phật khổng lồ đang xây dựng dở dang trên đây. Tôi thử bước vào lòng hang. Trong bóng tối nhá nhem, tôi thấy có bàn đá và pho tượng sư ông mặc đồ vỏ cây, tay tì gậy trúc, đích thị tượng Ông Núi rồi! Tôi đưa máy ảnh bấm một kiểu rồi chui ra khỏi hang ngay vì không khí lạnh âm u... Hẳn lòng hang còn nhiều cái bí ẩn mà tôi không đủ can đảm khám phá.
 
Đứng trên tảng đá to, tôi nhìn xuống chân núi như bức tranh thủy mặc. Quê hương tổ quán cụ Nguyễn Trung Trực như dải lụa choàng qua, một bên là biển xanh thăm thẳm, một bên là mái núi sừng sững, uy nghi. Làng chài lô xô màu ngói, màu vôi trên nền xanh cây trái. Hẳn nghề cá được công nghiệp hóa kết hợp du lịch sinh thái biển - núi mang lại sự giàu có cho xóm Lưới xưa vì quá nghèo mà bao dân chài phải dong thuyền xuôi về phương Nam để mưu sinh đó chăng?
 
Theo Quang Hảo (Báo Long An)
.