Du lịch các tỉnh, thành miền Trung có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng trong dịp lễ 30-4 và mùa hè năm nay trước tình trạng cá chết hàng loạt
Ngày 26-4, nhiều hãng lữ hành cho biết liên tục nhận được điện thoại của khách hàng đã đặt tour đi chơi dịp lễ 30-4 ở miền Trung hỏi về tình hình cá chết, biển bị ô nhiễm… Những du khách đặt tour giờ chót có khả năng chuyển lịch trình tới các điểm đến khác. Do đó, nhiều địa phương đang lên phương án ứng phó tình trạng quá tải có thể xảy ra trong dịp lễ sắp tới.
Đổi thực đơn, chuyển lịch trình
Đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho biết sau sự việc cá chết hàng loạt tại miền Trung những ngày qua, hãng đã chủ động làm việc với hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ ở các tỉnh, thành bị ảnh hưởng nhằm theo dõi sát diễn biến, có phương án điều chỉnh dịch vụ, thay đổi thực đơn của khách, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình đi tour.
“Chúng tôi đang yêu cầu loại bỏ các món ăn liên quan đến hải sản, thay thế bằng các món khác để du khách an tâm về chuyến du lịch của mình. Khách dù lo lắng nhưng chưa có trường hợp nào hủy tour” - bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc truyền thông Vietravel, cho biết.
|
Tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương chuẩn bị các phương án giảm thiểu tình trạng quá tải du khách đến Lý Sơn dịp lễ Ảnh: Kỳ Nam |
Theo các hãng lữ hành, du khách từ miền Nam ra các tỉnh, thành miền Trung chủ yếu theo lịch trình đến các điểm du lịch chứ không tập trung tắm biển nên chương trình tour không bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, những khách từ miền Bắc vào miền Trung đa phần sẽ chọn tour biển nên nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
“Dịp lễ 30-4, đa phần du khách đã đặt vé máy bay, mua tour rồi nên không thay đổi nhưng với mùa hè năm nay, ngành du lịch miền Trung chắc chắn sẽ gặp khó” - ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vitours (Đà Nẵng), nhận xét.
Theo Vitours, dù chưa nhiều nhưng đã bắt đầu có tình trạng du khách hủy tour đến một số địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… Nhân viên các hãng lữ hành phải rất vất vả tư vấn, giải thích thông tin liên quan đến tình trạng cá chết và biển miền Trung bị ô nhiễm để du khách yên tâm, giảm số lượng khách hàng hủy tour. “Họ hỏi rất nhiều về thực đơn, điểm đến và nhân viên công ty phải tư vấn. Không chỉ du khách mà DN lữ hành cũng đang rất sốt ruột” - ông Tùng lo ngại.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động cho thấy bên cạnh tour lễ 30-4 và 1-5, thời điểm này, du khách bắt đầu đặt tour du lịch mùa hè. Tuy nhiên, do tình trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân ở miền Trung kéo dài nên nhiều người lưỡng lự hoặc chuyển hướng. Nhiều đơn vị đã được báo giá tour đi biển miền Trung dịp hè nhưng chần chừ, không xác nhận hoặc nghiên cứu chuyển lịch trình khác. Về lâu dài, không chỉ lữ hành mà cả ngành du lịch các tỉnh, thành miền Trung - lâu nay vốn có thế mạnh về du lịch biển - sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Không để khách mắc kẹt, quá tải
Trong khi một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi cá chết lo ngại du khách sụt giảm vào dịp lễ sắp tới thì các địa phương có biển khác lại đang tất bật chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm hạn chế quá tải, giảm chặt chém và bảo đảm an toàn cho người dân đi chơi lễ.
Tại Nha Trang, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa dự kiến dịp lễ năm nay, lượng khách đông nhất rơi vào các ngày từ 29-4 đến 1-5. Trong 3 ngày này, công suất buồng, giường ở các cơ sở lưu trú có thể lên tới 90%.
Để việc tổ chức phục vụ khách du lịch được chu đáo, từ vài ngày trước, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu tham quan du lịch, vui chơi giải trí; nhắc nhở du khách cảnh giác với tình trạng cướp giật, móc túi khi ra đường hoặc đến những nơi đông người… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, cần tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không được tùy tiện nâng giá, ép khách, gây sốt giá, đầu cơ kiếm lời bất chính làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh.
Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - nơi thường quá tải mỗi dịp lễ, Tết - cũng đã sẵn sàng cho du khách trải nghiệm du lịch homestay cùng người dân địa phương. Địa phương này cũng đã chuẩn bị phương án đưa khách trở về đất liền an toàn, nhanh chóng.
Ngày 26-4, ông Đặng Quang Sơn - Giám đốc cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết công tác chuẩn bị tàu thuyền đưa du khách ra du lịch đảo Lý Sơn dịp lễ 30-4 và 1-5 và ngược lại đã hoàn tất. Dự kiến, Lý Sơn sẽ đón khoảng 6.000 du khách.
“Hiện nay, số du khách đăng ký vé từ 29-4 đến 31-5 mỗi ngày gần 2.000 người. Để phục vụ du khách đi lại, chúng tôi sẽ liên tục quay đầu 3 tàu. Trung bình mỗi ngày sẽ có 13 chuyến tàu ra vào, bắt đầu từ 6 giờ đến 18 giờ” - ông Sơn cho biết.
Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, UBND huyện đã tổ chức tuyên truyền, kiểm tra các địa điểm kinh doanh ăn uống, dịch vụ cho thuê nhà nghỉ, khách sạn; yêu cầu niêm yết giá cả công khai, tuyệt đối không để tình trạng chặt chém du khách xảy ra.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ trên đảo Lý Sơn dù chưa đến ngày lễ nhưng đều không còn phòng. “Tất cả phòng ốc trên đảo đã được đặt trước đây 1 tháng rồi. Giờ khách muốn ở chỉ có thể ở nhà dân, qua hình thức du lịch homestay” - ông Nguyễn Thới, chủ nhà nghỉ tại Lý Sơn, cho biết.
Thống kê của UBND huyện Lý Sơn cho thấy cả đảo có 13 nhà nghỉ, khách sạn với số lượng trên 200 phòng nhưng đã “cháy” từ gần 1 tháng nay. Ngoài ra, 9 địa điểm nhà dân đã được cấp phép theo hình thức du lịch homestay và rất nhiều nhà dân khác sẵn sàng tiếp du khách khi có nhu cầu.
Hàng không tăng chuyến
Ngày 26-4, hãng hàng không Vietjet cho biết sẽ tăng 140 chuyến bay trong dịp lễ 30-4 nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, nâng tổng số chuyến bay khai thác mỗi ngày lên 246 - tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đường bay tăng tải như từ TP HCM đi Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế, Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa…
Trước đó, Vietnam Airlines cũng thông báo tăng 136 chuyến bay ở 9 đường bay nội địa trong dịp lễ 30-4.
Theo Người lao động