Hàng vạn lượt du khách đổ về khu du lịch Sa Pa trong dịp Tết Dương lịch 2016 vừa rồi. Kể từ khi đường cao tốc mới Nội Bài- Lào Cai được đưa vào sử dụng, quãng đường từ Hà Nội và những tỉnh lân cận tới Sa Pa mờ sương đã gần hơn rất nhiều. Mừng vì Sa Pa ngày càng thu hút khách, nhưng có một thực tế là địa danh du lịch này cũng đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa vùng cao…
 

Tắc đường ngay tại Trung tâm Thị trấn Sa Pa.
Tắc đường ngay tại Trung tâm Thị trấn Sa Pa.


Tắc đường ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, người và xe chật chội như nêm, ô nhiễm, khói bụi...Điều này có thể khiến những du khách lần đầu tới Sa Pa ngạc nhiên, nhưng người dân bản địa bảo rằng, một hai năm trở lại đây tắc đường ở Sa Pa đã là chuyện thường ngày. Âu cũng bởi thị trấn Sa Pa vẫn xinh xắn như bao lâu nay là vậy, song lượng du khách đổ về vào dịp cuối tuần, hoặc những dịp lễ tết tăng vọt đã khiến cơ sở hạ tầng phải gánh gồng quá tải...

Không chỉ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nhiều năm trở lại đây, du lịch sinh thái, du lịch homestay... cũng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng ở Sa Pa. Đó là những bản Cát Cát (cách trung tâm thị trấn Sa Pa chừng 2km), bản Lao Chải- Tả Van Giáy (cách trung tâm chừng 7km), bản Tả Phìn (cách trung tâm chừng 10km)...ở đó người dân nhanh nhạy học cách làm du lịch từ sản phẩm bản địa sẵn có (dệt vải, ẩm thực vùng cao, tắm lá thuốc…) Hình thức du lịch homestay, trải nghiệm, khám phá cũng được du khách nước ngoài ưa chuộng nhiều hơn. Chính vì thế mà đời sống của người dân vùng du lịch Sa Pa đã có nhiều thay đổi.

Dẫu vậy, trở lại bản Cát Cát lần này, chúng tôi ít gặp du khách nước ngoài. Theo một cán bộ địa phương, câu chuyện này cũng đang là trăn trở của ngành du lịch Sa Pa nói riêng và của chính quyền nói chung. Đơn cử như việc địa phương giao cho doanh nghiệp đứng ra tổ chức kinh doanh du lịch tại bản Cát Cát, với giá vé vào cửa là 50 ngàn đồng/ khách/ lượt. Số tiền thu được ấy, có một phần để đầu tư trở lại cho cơ sở hạ tầng của bản Cát Cát (làm đường, trường, trạm). Nhưng trong mắt du khách nước ngoài, những gì được coi là “hiện đại hóa” không còn hấp dẫn nữa. Tương tự ở những điểm du lịch khác quanh thị trấn Sa Pa cũng vậy. Bởi du khách nước ngoài ưa khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của vùng đất mà họ đặt chân tới. Chính vì thế - theo vị cán bộ nọ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới vừa qua, một số nơi ở Sa Pa đã đề nghị thôi không xây dựng nông thôn mới như đã làm, hãy giữ nguyên những gì mà đất và người Sa Pa đang có. Chỉ như vậy mới giữ chân du khách và phát triển du lịch bền vững.
 

Văn hóa bản địa Sa Pa hấp dẫn du khách.
Văn hóa bản địa Sa Pa hấp dẫn du khách.


Nghe có vẻ là nghịch lý, nhưng suy xét cho cùng, việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái theo hướng bền vững đang là yêu cầu cấp bách và tất yếu của các vùng du lịch trọng điểm Tây Bắc, đặc biệt ở Sa Pa hiện nay. Trong vòng 2 năm qua, Lào Cai rất nỗ lực trong việc quảng bá du lịch tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... với nhiều sản phẩm du lịch mới, cũng như chiến lược quảng bá kích cầu du lịch. Đơn cử như việc giảm giá vé tham quan, giảm giá phòng nghỉ, giảm giá các dịch vụ…xuống từ 30-40%.

Lãnh đạo Sở VHTT&DL Lào C

ai chia sẻ: Với thế mạnh phát triển du lịch ở cả 3 loại hình là du lịch văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái, mạo hiểm và du lịch cộng đồng tập trung ở các địa bàn có lợi thế như TP. Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà. Rõ ràng việc áp dụng chiến lược kích cầu du lịch của địa phương cũng giống như trải thảm đỏ chào đón du khách.

Nhưng cũng từ chiến dịch quảng bá du lịch rầm rộ thể hiện ở phần nổi, một vấn đề đặt ra để du lịch phát triển bền vững, chứ không đơn thuần là phát triển “nóng” cho đạt mục tiêu, vẫn còn quá nhiều chuyện phải bàn. Đơn cử như việc tạo môi trường du lịch an toàn- thân thiện trong mắt du khách. Hiện tình trạng chèo kéo du khách vẫn phổ biến ở nhiều nơi, nhất là ở những địa điểm tập trung nhiều du khách nước ngoài.  Ở những điểm đến quanh khu du lịch Sa Pa, du khách sẽ thấy những khuyến cáo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh với nội dung là: không nên cho tiền trẻ em để tránh trường hợp các cháu bỏ học đi bán hàng rong, đi xin tiền; hoặc tránh mua hàng của những người đi bán rong để đảm bảo môi trường du lịch an toàn…Tuy nhiên cảnh trẻ em xin tiền, bán hàng rong, đeo bám du khách vẫn phổ biến ngay ở trung tâm thị trấn Sa Pa.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Trần Hữu Sơn-  nguyên  Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai cho rằng, khó giải quyết triệt để tình trạng đồng bào ở Sa Pa làm du lịch kiểu chèo kéo. Xuất phát từ thực tế phát triển du lịch cộng đồng, những nơi ở xa trung tâm đồng bào vẫn chưa có được mức thu nhập như ở vùng trung tâm thị trấn. Hơn thế, một phần cũng do nhận thức của người dân nơi đây còn hạn chế. Do đó, để thay đổi thói quen làm du lịch từ chèo kéo sang văn minh, chuyên nghiệp cần nhiều thời gian. Đó là chưa muốn nói là phải thay đổi cả một quá trình nhận thức, ứng xử văn hóa…

Và rõ ràng, không chỉ riêng câu chuyện ở Sa Pa, lâu nay việc ra quân quảng bá du lịch nội địa để “Việt Nam trở thành một điểm đến an toàn, thân thiện” thực chất là mục tiêu trước mắt. Đích đến xa hơn phải là chiến lược phát triển du lịch bền vững, ghi điểm trong mắt du khách bằng sản phẩm du lịch đặc thù, chứ không chỉ đạt mục tiêu doanh thu.    
 

Theo Đại đoàn kết

.