Người thì gọi chợ mở, kẻ kêu là chợ ngoài trời, thời gian họp chợ thường từ 1 – 2 lần/tuần, có chợ cả tháng họp một lần. Và sau khi chợ tan, không gian trả lại cho một quảng trường hoặc sân chơi dành vào những mục đích khác.
Không gian như buổi chợ phiên
“5 euro một ký xoài và táo, cherry cũng vừa hái”, tiếng rao một người bán hàng vang một góc chợ mở tại trung tâm thành phố Bonn, Đức. Ông vừa rao, vừa xếp trái cây các loại từ thùng lên chiếc bàn gỗ. Nắng hè tạt vào khiến quầy trái cây trở nên hấp dẫn lạ thường. Và tiếng rao làm tôi chợt nhớ người rao hàng ở quê nhà, không khác gì nhau, chỉ khác ngôn ngữ.
Hàng loạt quầy hàng di động được dựng lên ngay tại quảng trường nơi mà tối hôm trước tôi ngồi uống càphê cùng Elizabeth, một người bạn Đức. Hàng hoá được xếp đẹp mắt và ngăn nắp trên những bàn gỗ, với tấm dù che bên trên. Giá cả được ghi rõ trên giấy hoặc bảng đặt ngay hàng hoá. Lối đi giữa các gian hàng đủ rộng để cho những người đi xe lăn có thể tránh nhau khi đi ngược chiều trong chợ. Mặc dù bán đủ loại hàng hoá từ khô đến tươi sống, nhưng không hề có rác dưới đất.
“Mỗi tuần, chợ ở đây chỉ họp một lần. Ở nơi khác thì họp vào ngày khác. Người bán hàng di chuyển từ chợ này qua chợ khác bán các ngày trong tuần. Họ chỉ cần xe tải chở hàng và quầy bán, nhiều người bán hàng ngay trên xe. Khoản tiền trả phí cho mỗi quầy chỉ trên dưới 10 euro/ngày”, Elizabeth giải thích.
Nhiều người bán hàng là những người buôn bán chuyên nghiệp, mua sỉ hàng hoá về bán lẻ tại chợ như đồ dùng trong nhà, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thậm chí là sách cũ. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người bán hàng là những nông dân tự canh tác, sản xuất hàng hoá mang ra chợ bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Những mặt hàng đặc biệt được người mua yêu thích khi đi chợ mở là bánh mì, thịt muối, thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây tươi hoặc trái cây sấy, hoa, sản phẩm từ sữa, đặc biệt là phômai. Người bán hàng có thể khiến người mua vui lòng bằng cách tặng thêm hàng chứ không lấy rẻ hoặc giảm giá đối với hàng hoá họ mang bán.
Không gian giao tiếp và đặc sản
Tôi có dịp ghé chợ mở tại Hà Lan vào mùa đông, mưa tuyết, gió lạnh luôn cản trở người dân ra đường. Tuy nhiên, tại chợ mở, mọi người dường như chẳng còn để tâm đến cái lạnh khắc nghiệt, chỉ mải mê với những âm thanh náo nhiệt tại chợ; tiếng rao hàng hoá, tiếng mời mọc mua hàng...
“Hôm nay tôi mời cô món đặc biệt của các chợ mở tại Hà Lan. Lần nào đến chợ tôi cũng ăn món này”, ông Henk, người giới thiệu kéo tôi đến một quầy bán cá nói với người bán hàng vài câu rồi quay ra chiếc bàn để trống trước quầy dưới trời tuyết rơi chờ đợi. Khoảng năm phút sau, người bán chuyển cho chúng tôi hai hộp cá chiên tẩm bột bên cạnh có tương ớt và xốt mayonnaise với lời chúc ngon miệng. Cái lạnh… ấm lên nhờ món cá chiên nóng hổi ngay cạnh cửa hàng đậm mùi vị đặc trưng của hải sản tươi sống.
“Người dân ở Utrecht thường đến đây mua thực phẩm tươi sống cho gia đình. Đi chợ mở là cơ hội mua được hàng từ tay người trồng, chế biến chứ không qua trung gian, cũng không phải hàng đã được đưa vào tủ đông như tại siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi. Giá cả rẻ, hàng hoá lại rất tươi”, ông Henk ríu rít.
Với nhiều người nghèo, đi chợ mở vào buổi chiều, trước khi kết thúc ngày họp chợ là một hoạt động quan trọng trong tuần. Mặc dù chợ mở nhưng họ vẫn đứng xếp hàng thứ tự chờ tại những quầy bán hoặc xe chở rau củ để mua cho được những thùng rau, trái cây vào cuối ngày khi người bán muốn thanh lý hàng chưa bán hết. Đây là thời điểm duy nhất mà một số người bán hàng chịu giảm giá. “Hàng hoá rẻ hơn, chất lượng cũng không kém bao nhiêu!”, bà Emma tươi cười, bưng thùng cà chua mua hạ giá cuối ngày đặt lên mấy thùng rau khác. Bà cùng bạn bè thường mua chung về chia cho mỗi người.
Tuy nhiên, với rất nhiều người, những ngày họp chợ là quãng thời gian để họ giải trí, gặp gỡ bạn bè. Những tiếng chào, cái bắt tay, ôm hôn của những người đi chợ gặp nhau khiến cho âm thanh tại chợ càng thêm rộn rã. Ông Nicolas, một cư dân tại Bỉ cho hay, hầu như cả nhà ông đều cùng nhau đi chợ hàng tuần, không chỉ để mua hàng, nhưng còn gặp gỡ bạn bè, người quen. “Khi còn bé, tôi thường theo cha mẹ đến chợ cuối tuần. Sau một thời gian sống tại Nam Phi trở về, tôi lại đến đây mỗi khi họp chợ. Giờ tôi dắt theo cả con cái đến đây cho chúng vui chơi. Tôi gặp mọi người, nói chuyện, tán gẫu rồi ăn trưa tại chợ. Tôi quen biết nhiều người ở chợ từ khi tôi còn rất nhỏ cho đến giờ. Nhiều lúc tôi nghĩ, nơi này giống như một nơi tụ họp để người dân trong cộng đồng có dịp gặp gỡ, thăm nhau vậy”, ông vừa nói vừa vẫy tay chào vài người mặc đồng phục đang đi giám sát tại chợ mở.
Theo Kim Dung
SGTT