Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng vừa in xong 5.000 bộ quy tắc ứng xử về du lịch bằng tiếng Trung để phát tại sân bay, nhà ga, các khu, điểm du lịch và hệ thống khách sạn trong thành phố.
 
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết đây là bộ quy tắc được dịch từ bộ quy tắc tiếng Việt đã được ban hành. Các bộ quy tắc in dạng sổ tay khổ 12x12cm gồm những hình ảnh minh họa kèm chú thích tiếng Trung Quốc. Sở cũng sẽ gửi bộ quy tắc này đến các công ty lữ hành để chuyển cho đối tác phổ biến với khách trước khi du lịch đến Đà Nẵng.
 
Bộ quy tắc ứng xử bằng tiếng Trung thể hiện nhiều hình ảnh minh họa sinh động, nêu những điều nên và không nên khi du lịch Đà Nẵng. Trong đó, du khách cần tôn trọng văn hóa, phong tục địa phương; ăn mặc lịch sự, đặc biệt ở những nơi tôn nghiêm; có ý thức bảo vệ môi trường; xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ công cộng; luôn chào nhau bằng nụ cười, thường xuyên nói cảm ơn, xin lỗi; giúp đỡ người lớn tuổi, người tàn tật, ưu tiên trẻ em, phụ nữ.
 
Bộ quy tắc cũng ghi rõ du khách không phá hoại các di tích văn hóa, lịch sử; không khạc nhổ, vứt rác nơi công cộng; không la hét, nói cười quá lớn nơi công cộng; không thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng; không say xỉn mất kiểm soát nơi công cộng...
 
Thời gian tới, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng sẽ dịch bộ quy tắc ứng xử từ tiếng Việt sang tiếng Hàn. Cùng với việc phát miễn phí hàng ngàn bộ quy tắc nói trên, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng xây dựng video ảnh động với các thông điệp tuyên truyền bằng tiếng Trung Quốc và sẽ trược chia sẻ trên mạng, chiếu phát tại các điểm du lịch công cộng.
 
Nửa đầu năm 2016, hơn 200.000 người Trung Quốc đã đến Đà Nẵng, tăng 83% so với cùng kỳ. Khoảng nửa tháng nay, thực trạng khách du lịch Trung Quốc gây lộn xộn ở Đà Nẵng được dư luận cả nước quan tâm. Đặc biệt, du khách Trung Quốc gây bức xúc khi làm hướng dẫn viên chui phát ngôn xuyên tạc lịch sử, chủ quyền Việt Nam, đốt tiền Việt và đòi tiêu đồng nhân dân tệ tại Đà Nẵng.
 
Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã yêu cầu các ngành chức năng quản lý và xử lý nghiêm, tuy nhiên không phân biệt hay kỳ thị người Trung Quốc.
 
Theo Lê Đình Dũng
(một thế giới) 
.