Tôi thích đi dạo quanh chợ Hàn và rất đỗi ngạc nhiên về sự đa dạng của các mặt hàng được bày bán ở đây. Những mặt hàng rau, củ, quả tươi ngon, đầy màu sắc lúc nào cũng thu hút tôi.
 

 

Những hình ảnh này gợi trong tôi kỷ niệm về người cha thân yêu của mình. Ông cũng có một cửa hàng rau quả nhỏ ở Anh quốc và đã dành trọn cuộc đời mình cho công việc kinh doanh này. Vì vậy, chợ Hàn đối với tôi như một nơi đầy sắc màu huyền diệu và tôi giống như đứa trẻ say sưa, thích thú khám phá nó.

Chợ Hàn được chính thức khai trương vào những năm 1940 nên có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử của thành phố biển Đà Nẵng. Từ những ngày đầu mới thành lập, chợ Hàn đã trở thành khu buôn bán hiện đại, sầm uất nhất đối với tiểu thương ở địa phương. Với lợi thế là vị trí đắc địa ngay trung tâm, chợ Hàn nhanh chóng phát triển thành trung tâm thương mại lớn của thành phố. Năm 1989, chợ được xây mới. Và ngày nay, với cơ sở khang trang, rộng rãi, chợ Hàn đã trở thành trung tâm thương mại nhộn nhịp, sầm uất nhất thành phố.

Một điều rất thú vị nữa, trước đây, người dân địa phương thường gọi chợ Hàn là “chợ của người giàu” vì đây là nơi mua sắm của những người có thu nhập cao. Tuy nhiên, đến nay quan niệm này không còn đúng nữa vì tất cả người dân mọi tầng lớp xã hội đều có thể đến đây. Và tôi là một trong số những khách hàng thường xuyên của chợ Hàn.

Hơn 6 năm qua, tôi là khách hàng quen thuộc của một phụ nữ bán rau lớn tuổi đôn hậu ở chợ. Điều đáng ngạc nhiên là chúng tôi vẫn có thể hiểu nhau dù người bán không thể nói được một từ tiếng Anh nào, còn tôi chỉ biết một vài từ tiếng Việt. Tôi chỉ có thể diễn đạt thứ cần mua qua cử chỉ hay bằng màu sắc nhưng thật thú vị bởi người phụ nữ này vẫn có thể tìm cho tôi thứ rau củ mà tôi cần mặc dù chúng không được bày bán trên sạp. Ngay cả khi tôi rất khó khăn để diễn đạt củ cải đường nhưng bà vẫn có thể hiểu và tìm cho tôi. Tôi luôn muốn có thể nói chuyện được với bà để hỏi thăm về cuộc sống. Rốt cuộc thì tôi cũng có cơ hội này khi được sự trợ giúp của một người bạn Việt Nam.

Người phụ nữ này tên là Trần Thị Thôi (62 tuổi), đã lập gia đình và có 4 người con. Bà có thâm niên đến 50 năm bán hàng ở chợ Hàn. Năm bà 12 tuổi, mẹ qua đời, cha làm nghề đánh bắt cá xa bờ nuôi 5 đứa con thơ. Bà Thôi phải nghỉ học và đi bán rau dạo. Tôi có thể hình dung được bao nỗi gian truân, vất vả mà một cô bé mới 12 tuổi phải chịu khi bê rổ rau lang thang bán khắp chợ mỗi ngày. Vào thời điểm đó, chợ Hàn chỉ là khu chợ mái tôn đơn sơ.

Sau ngày thống nhất đất nước vào năm 1975, Ban quản lý chợ Hàn đã giúp bà Thôi đăng ký một gian hàng trong chợ. Từ đó, bà đã có thể sở hữu một gian hàng và bán rau củ ở đây cho đến nay. Hằng ngày, bà Thôi có mặt ở chợ lúc 6 giờ để nhận hàng rau củ được chở đến từ chợ đầu mối Hòa Cường và một ngày làm việc bận rộn của bà kết thúc lúc 19 giờ 30. Đặc biệt, vào những ngày cận kề Tết, bà phải thức dậy lúc 2 giờ để trực tiếp đến chợ Đầu mối chọn những hàng tươi ngon và chất lượng nhất để bán.

Hầu hết khách hàng của bà Thôi đều là khách quen, trong đó có rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng như tôi. Khi nghe hỏi về công việc của mình, bà trả lời rất hào hứng rằng rất yêu thích việc bán hàng. Bà cảm thấy hạnh phúc khi gian hàng đông khách và bán được nhiều hàng. Điều đáng trân trọng là với những mặt hàng còn lại vào cuối ngày, bà đều đem tặng chùa.

Khi tôi hỏi “Bà có nghỉ lễ không?”, bà Thôi chỉ lắc đầu. Bà cho biết chỉ nghỉ mồng 1 và mồng 2 Tết, còn lại thì quanh năm bận rộn bán hàng. Đối với người dân Việt Nam, việc làm lụng quanh năm vất vả và không có ngày nghỉ lễ là chuyện bình thường. Nhưng đối với hầu hết những người phương Tây chúng tôi, điều này thật quá sức tưởng tượng! Bà Thôi còn thổ lộ rằng, bà không mong muốn điều gì cho bản thân mà chỉ mong sao mạnh khỏe để còn sức làm việc, kiếm tiền lo cho gia đình, cũng như mong sao những đứa con của mình có việc làm để ổn định cuộc sống và thành đạt.
 

Theo Báo Đà Nẵng