(BVPL) - Năm 2013, Việt Nam đã thu hút được 7,5 triệu khách quốc tế, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra của ngành Du lịch Việt Nam đến năm 2015. Với doanh thu lên đến trên 9 tỷ đôla Mỹ, du lịch đã đóng góp khoảng 6% GDP của cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch thì Việt Nam vẫn có thể phát triển hơn nữa so với tiềm năng du lịch của mình.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát huy thế mạnh của từng địa phương, ngành công nghiệp không khói này rất cần tới chuỗi liên kết mạnh mẽ và độc đáo để có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực vốn đã đi trước chúng ta từ nhiều năm nay.
Dù nhiều chương trình liên kết đã được các cấp, các ngành ở địa phương sốt sắng tổ chức, kết nối, nhằm gắn kết với nhau, cùng tạo ra một “xung lực mới” cho du lịch và kinh tế của cả vùng. Song, sau đó, vẫn là sự đơn lẻ, lỏng lẻo. Tình trạng mạnh ai nấy làm hoặc “đèn nhà ai nhà ấy rạng” vẫn còn quá phổ biến ở hầu khắp các chương trình liên kết du lịch.
Con đường di sản miền Trung, một trong những chương trình liên kết du lịch đã triển khai từ hơn 10 năm (Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Động Phong Nha-Kẻ Bàng và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là 6 công trình và danh lam được UNESCO công nhận là di sản văn hoá - thiên nhiên thế giới), nhưng hiện nay vẫn chưa trở thành một thương hiệu du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng...
Lợi ích cục bộ hay lợi ích vùng?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, hiện nay các địa phương trên tuyến Con đường di sản miền Trung vẫn chỉ tập trung phát triển trong tình trạng “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau trong tổ chức khai thác du lịch. Điển hình là các lễ hội du lịch được tổ chức ở các địa phương như chồng chéo lên nhau, lôi kéo du khách của nhau: ví dụ như Huế có Festival, thì Quảng Bình cũng đồng thời tổ chức Festival Biển; Đà Nẵng tổ chức Biển gọi, thì Huế lại có Lăng Cô huyền thoại biển… Ngoài ra, còn rất nhiều dự án kết nối như dự án các làng nghề truyền thống, liên kết quảng bá lễ hội du lịch, liên kết lữ hành…đến nay vẫn chỉ là dự án “trên giấy”.
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông du lịch Việt cho biết: Con đường di sản miền Trung trong thời gian trước phát triển rất tốt, khách du lịch nước ngoài đã đến Việt Nam đều biết đến Con đường di sản miền Trung có những địa danh, thắng cảnh nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện nay, việc liên kết các cơ sở cung cấp dịch vụ và các công ty lữ hành chưa được tốt do tính chất mùa vụ, do tính chất thời điểm.
Giữa lợi ích địa phương và lợi ích vùng, sự lựa chọn luôn là câu hỏi lớn. Mặc dù các địa phương phải xây dựng cho mình những thương hiệu du lịch mang nét đặc trưng riêng, nhưng phải trên cơ sở liên kết hỗ trợ tổng thể thì Con đường di sản miền Trung mới thực sự phát huy hiệu quả. Còn với kiểu đầu tư khai thác du lịch theo kiểu “cát cứ” hiện nay, Con đường di sản miền Trung khó trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn như mong muốn.
Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nhận thức chung thì liên kết là xu thế phát triển của du lịch không những của đất nước ta mà còn trên thế giới. Mà các tỉnh có những tiềm năng, thế mạnh tương đối giống nhau về các sản phẩm du lịch thì chúng ta phải liên kết. Đặc biệt, trong từng địa phương chúng ta thấy sự liên kết đó còn ở các ngành với nhau chứ chưa nói đến vùng. Tuy nhiên, liên kết hiện nay mới đang ở trong nhận thức chứ chưa biến thành hành động cụ thể.
Liên kết du lịch - xu hướng tất yếu
Đã có nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, sự thất bại trong một số chương trình liên kết là do cách làm mang tính “địa phương chủ nghĩa” còn phổ biến. Bởi vậy, hiệu quả của liên kết du lịch đang trông chờ rất nhiều vào những cái bắt tay chặt hơn nữa giữa các địa phương và thậm chí là cả các ngành, nghề liên quan, chứ không chỉ là những chương trình hay khẩu hiệu mang tính phong trào.
Vừa qua, Hiệp hội Du lịch và Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch trong Chương trình Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2014, trong đó, có lễ ký kết hợp tác triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2014 ba miền Bắc, Trung, Nam. Đây là hoạt động hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch được Tổng cục Du lịch triển khai năm 2013 và đã thành công ngoài dự kiến. Năm 2013, Việt Nam đã thu hút được 7,5 triệu khách quốc tế, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra của du lịch Việt Nam đến năm 2015.Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch thì Việt Nam vẫn có thể phát triển hơn nữa so với tiềm năng sẵn có. Chúng ta vẫn có thể phát triển so với Thái Lan, Malayxia, Singapore và Indonesia và chúng ta đang đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Cũng tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2014, các đại biểu đều khẳng định liên kết du lịch là xu thế tất yếu để ngành du lịch thực sự phát triển nhưng cần phải có những quy định rõ ràng trong việc liên kết. Đó là những cam kết để đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, tạo hành lang pháp lý cho các công ty du lịch triển khai.
Bởi theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, người đã gắn bó với ngành du lịch vài chục năm qua thì giữa các địa phương dù tham gia chương trình liên kết nhưng vẫn mang tư tưởng cục bộ nên khách du lịch bị cản trở khi muốn tiếp cận các điểm du lịch khác. Hoặc đôi khi các địa phương tổ chức các chương trình du lịch khá giống nhau làm mất thời gian của khách và tạo ra sự nhàm chán không muốn quay trở lại.
Cùng với đó, một điểm yếu của du lịch Việt Nam đó là nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và số lượng. Các xúc tiến du lịch của ta cũng chưa thực sự được chú trọng, nguồn vốn cho xúc tiến du lịch mới chỉ bằng 5% so với Thái Lan và đang là thấp nhất trong khu vực và đó là lý do chúng ta không thể thu hút được 20 triệu khách du lịch mỗi năm như Thái Lan và Singapore.
Trần Mai