NTK Việt Hùng và Nhật Dũng đều thừa nhận, các tác phẩm của thí sinh tham dự cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy dự thi Miss Universe 2019 đều là những sản phẩm nghiêm túc. Đặc biệt, áo dài truyền thống Việt có giá trị to lớn và dễ ghi điểm trong cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc tế.
Bên cạnh “bàn thờ”, bóng bay, chong chóng,... cũng gây tranh cãi
Cuộc bình chọn thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2019 vẫn đang diễn ra, thu hút đông công chúng quan tâm. Với chủ đề “Tinh hoa Việt Nam”, Ban tổ chức mong muốn đại diện Việt Nam tại Miss Universe sẽ khoác lên mình bộ trang phục dân tộc đặc sắc, thể hiện tinh thần, vẻ đẹp Việt Nam thời đại mới.
|
|
Chủ đề cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc là “Tinh hoa Việt Nam”. |
Bám sát chủ đề “Tinh hoa Việt Nam”, sự sáng tạo của các thí sinh được phát huy tối đa, mở rộng thêm nguồn cảm hứng ở những nét đẹp văn hóa mới, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những mẫu thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc, nhận được nhiều lời ngợi khen như "Sơn tinh - Thủy tinh" của thí sinh Lương Đức Minh, "Văn Lang ngàn thu" của Đỗ Thị Thu Vân, "Sen Việt" của Nguyễn Duy Hậu, "Sắc Hồn Việt" của Đặng Ngọc Minh Quân,... còn có không ít tác phẩm gây tranh cãi cùng những phản hồi trái chiều từ phía công chúng.
Điển hình nhất là tác phẩm mang tên "Bàn thờ" của tác giả Phạm Quang Minh. Theo lời giới thiệu, bản vẽ được lấy ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mang ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Trang phục là sự kết hợp của ảnh thờ, bát hương, lọ hoa và mâm cỗ.
Cùng với "Bàn thờ", các mẫu về chủ đề xe máy, cầu vàng Đà Nẵng, bóng bay, chong chóng, niềm tin chiến thắng,... cũng gây ra nhiều tranh cãi trong cuộc thi năm nay. Nổi bật trong số các bài thi mới nhất là "Xe máy" của Đinh Quốc Tuấn. Chia sẻ về thiết kế, nam thí sinh muốn mang loại phương tiện giao thông phổ biến nhất Việt Nam đến cuộc thi. Hình ảnh nón bảo hiểm và xe máy cách điệu được đánh giá mang lại nhiều cảm xúc và sáng tạo.
Cùng với đó, thí sinh Hoàng Trần Minh Ngọc với bộ trang phục "Bóng" được lấy cảm hứng từ những chùm bóng được rao bán khắp mọi nơi, ở bất kỳ con đường nào tại Việt Nam kết hợp với nón lá truyền thống dù rất gần gũi nhưng cũng gây tranh cãi. Theo tác giả, "Bóng" chính là sự kết hợp từ truyền thống đến với nét tuổi thơ của hiện đại.
Hay như "Niềm tin chiến thắng" của Nguyễn Phạm Thành Lễ cũng không phải ngoại lệ. Tác phẩm được lấy cảm hứng chủ đạo từ sự kiện chiến thắng vang dội của bóng đá Việt Nam trong năm vừa qua. Theo tác giả, thiết kế này thể hiện sự tự hào dân tộc của người dân Việt, bởi bóng đá là môn thể thao vua và được rất nhiều tầng lớp trong xã hội đón xem, mong đợi. Bóng đá Việt Nam trong năm qua đã lột xác ngoạn mục và trở thành sự kiện tiêu biểu cho nền thể thao nước nhà.
Rồi đến tác phẩm "Chong chóng" của Nguyễn Đức Lương. Chủ nhân của sản phẩm này cho rằng, "Trẻ em vùng nông thôn và ngay cả thành thị không lạ gì với hình ảnh chiếc chong chóng đầy màu sắc có thể làm bằng giấy gặp gió sẽ xoay. Những hình ảnh đó chính là cảm hứng để dựng lên trang phục mang tên “Chong Chóng”.
Mặc dù các tác phẩm này thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng sau khi trang fanpage đăng tải, nhưng đa số ý kiến cho rằng những mẫu thiết kế đó không phù hợp để dự thi, nhất là một cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc tế như Miss Universe. Nhiều ý kiến cho rằng, các thiết kế có tính sáng tạo cao, thậm chí rất đẹp nhưng về cơ bản, nếu để mang đi thi quốc tế sẽ khó gây ấn tượng.
Một độc giả có tên Ngô Thiết cho rằng, "Tôi thấy các thiết kế khá ổn và đẹp nhưng chắc chắn sẽ không hợp mang đi thi đấu tầm quốc tế, sẽ rất khó ăn giải". Đồng quan điểm đó, độc giả Văn Hải khẳng định, "Bóng đá - môn thể thao vua ở nước nào cũng coi trọng, không riêng gì Việt Nam. Xe máy, chong chóng, bóng bay,... cũng vậy, đâu phải chỉ Việt Nam mới có, những thứ đó không thể là điểm nhấn, là nét đặc trưng của Việt Nam. Tôi nghĩ, những tác phẩm này dự thi chỉ mang tính giải trí cao, chứ để mang đi thi đấu thực sự sẽ không được đánh giá cao".
Độc giả Huyền Nguyễn cho biết, "Nhiều tác phẩm gửi dự thi để lấy cái tiếng cho rầm rộ thôi. Bài dự thi không chọn lọc 1 chút nào cả. Thiết kế bàn thờ phản cảm hay bóng rồi toàn chuột Micky với Minion, Doraemon chả thấy truyền thống đâu... Thật khó hiểu".
Các thiết kế không phải là trò đùa, đều là những sản phẩm được đầu tư nghiêm túc
Tính đến thời điểm này, sau gần 1 tháng khởi động, Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã nhận được khoảng 200 bản vẽ dự thi 'Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy tại Miss Universe 2019'. Vốn là một nhà thiết kế đình đám từng giúp Hoa hậu Mai Phương Thuý lọt top 20 Trang phục dân tộc đẹp nhất tại cuộc thi Hoa hậu thế giới 2006, nhà thiết kế Việt Hùng đã có những chia sẻ về việc thiết kế trang phục dân tộc hiện nay.
Bàn luận về những tranh cãi xoay quanh các thiết kế tưởng như "trò đùa" của các thí sinh, NTK Việt Hùng cho rằng: "Chúng ta không nên chỉ trích hay phán xét các thí sinh bởi mỗi người đều có những ý tưởng của riêng mình. Những thiết kế như bàn thờ, bóng bay, xe cộ,... tôi nghĩ, đó không phải là trò đùa mà là những sản phẩm nghiêm túc, được các thí sinh lên ý tưởng và thực hiện một cách có bài bản. Ai có sản phẩm đều có quyền được dự thi, quan trọng là những người duyệt và đưa ra trước công chúng sẽ phải kiểm soát được độ an toàn và mức độ ảnh hưởng đến cuộc thi. Còn hiện tại mới chỉ là khâu lên ý tưởng, tôi tin rằng ban tổ chức sẽ lựa chọn ra bộ trang phục xuất sắc nhất để Hoàng Thuỳ mang tới Miss Universe 2019”.
Bên cạnh đó, NTK Việt Hùng cũng khẳng định, áo dài không hề nhàm chán để mang ra sân chơi nhan sắc thế giới bởi áo dài có khung trời văn hoá riêng. Tuy nhiên, người thiết kế phải biết điểm dừng khi phát triển ý tưởng để không tạo nên sự đột phá quá đà cũng như không bị lặp lại gây nhàm chán.
"Áo dài là quốc hồn, quốc tuý của dân tộc Việt qua mọi thời đại, là giá trị bền vững theo thời gian mà cả dân tộc đang gìn giữ và phát huy. Bạn thấy đấy, các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước, người Việt thường lựa chọn áo dài để mặc thay vì váy dạ hội lộng lẫy. Áo dài lên ngôi mọi lúc mọi nơi không chỉ trước đây mà ngay cả bây giờ nữa. Thời đại 4.0, đất nước mở cửa, nhưng không vì thế mà hầu hết mọi người quên đi nền tảng văn hoá và bản sắc riêng của mình”.
Cùng quan điểm đó, NTK Nhật Dũng cho biết, trong “cuộc chiến” để giành ngôi vị cao nhất cho trang phục dân tộc của cuộc thi Miss Universe, tất cả các nhà thiết kế trẻ trong và ngoài nước đều tham gia dự thi nhưng điều đang được dư luận và người hâm mộ quan tâm đến nhất chính là trang phục đại diện Việt Nam.
Cụ thể, với một số trang phục dự thi năm nay như chong chóng, bóng bay,… đặc biệt là trang phục “Bàn thờ”, NTK Nhật Dũng cho rằng, các thí sinh đang chưa nắm được rõ đâu là giá trị truyền thống mà cha ông ta để lại, đâu là trào lưu để “khuấy động” cuộc thi.
NTK Nhật Dũng khẳng định, “Người phụ nữ Việt Nam mặc tà áo dài truyền thống màu trắng rất đẹp, nhất là khi xuất hiện trên sấn khấu, đó là biểu tượng và cũng là đại diện cho một quốc thể và hình ảnh người con gái Việt Nam được nhắc đến với bạn bè năm châu trên toàn thế giới. Tôi cho rằng, nếu thí sinh mặc áo dài trắng dự thi một cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc tế sẽ rất dễ ghi điểm và được đánh giá cao”./.