VPF ra đời với sự kỳ vọng sẽ giúp cho các giải đấu trong nước quy củ hơn, giúp V-League chuyên nghiệp hơn. Nhưng với những gì vừa diễn ra thì người ta chợt thấy rằng VPF chưa làm đúng như kỳ vọng.
 
 
Một sân bóng không đủ điều kiện chiếu sáng, vẫn được tổ chức các trận đấu dưới trời mưa, còn cầu thủ thì đá bóng cứ như thể vừa chạy vừa dò đường vì trời tối. Đấy là chưa tính đến yếu tố mặt sân xấu, ảnh hưởng cực lớn đến chất lượng kỹ thuật của các cầu thủ, ảnh hưởng trực tiếp đến đôi chân của các cầu thủ (rất dễ bị chấn thương trong điều kiện thời tiết như thế) nhưng bóng thì vẫn cứ lăn.
 
Lỗi của BTC sân Đồng Nai ở đây đã rõ ràng, nhưng phần lỗi thuộc về BTC giải và trên nữa là VPF còn lớn hơn, vì họ đã đặc cách cho sân bóng này tổ chức các trận cầu ở hạng đấu bóng đá cao nhất Việt Nam trong điều kiện như thế.
 
Dạo gần đây BTC giải và VPF dường như đang đi vào vết xe đổ của chính VFF trong những ngày mà tổ chức này bị dư luận phản ứng nhiều nhất. BTC V-League và VPF hiện giờ có thói quen xử lý các tình huống theo kiểu vo tròn sự việc, rồi viện hết lý do này đến lý do khác để biện minh cho sự thiếu quyết liệt, cụ thể là thiếu chuyên nghiệp của chính mình.
 
Chẳng biết khi cho phép sân Đồng Nai tiếp tục tổ chức các trận đấu ở giải VĐQG, những nhà tổ chức giải có khảo sát đến điều kiện chiếu sáng của sân này hay chưa? Đã khảo sát đến chất lượng mặt sân? Khảo sát các phòng chức năng phục vụ trận đấu và có tính đến khả năng giải quyết sự cố của sân bóng này hay chưa?
 
Một khán giả trung lập khi đến sân Đồng Nai chắc chắn không khó nhận ra những bất cập ở sân bóng này, và không khó những ra những tiêu chí trên chưa tiêu chí nào đạt chuẩn cho phép. Ấy thế mà các thành viên BTC giải gồm nhiều chuyên gia bóng đá được gắn mác này mác nọ đều phớt lờ các tiêu chí tối thiểu ấy.
 
Sân Đồng Nai không có dàn đèn đã đành, các phòng chức năng cũng chỉ làm cho có, đến hôm 30/6 lại xảy ra tình trạng cuộc họp báo sau trận đấu được tổ chức trong điều kiện không có điện, khiến người nói và người nghe cứ phải cố gào và cố căng màng nhĩ để lắng nghe nhau, trong khi loa phóng thanh phía bên ngoài cứ phát ầm ầm chương trình quảng cáo.
 
Một sân bóng mà có lúc sử dụng cả xe 4 chỗ làm xe cứu thương, rồi đến khi có xe chuyên dụng thì xe này cứ chực hâm hở chạy thẳng vào mặt sân, thì chắc chắn đấy là cách làm như thể họ đang tổ chức một giải đấu phong trào.
 
VPF có thể viện dẫn chi tiết họ ngại nếu làm căng quá, nhiều đội bóng, cụ thể là dạng đội chưa đủ chuẩn như Đồng Nai bỏ V-League thì BTC phát mệt.
 
Có thể có bộ phận đang tham gia vào V-League không thích điều ấy, cụ thể là các nhà tài trợ không muốn có thêm đội bỏ giải, dẫn đến số trận đấu giảm đi, rồi tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của nhà tài trợ giảm. Tuy nhiên, dù bất kỳ lý do gì thì cũng không thể đem sức khỏe, thậm chỉ cả tính mạng của các cầu thủ, của khán giả ra mạo hiểm, trên một sân bóng và dưới thời tiết như ở Đồng Nai chiều 30/6.
 
Ngay cả ở thời điểm bị phản ứng mạnh nhất, VFF khi còn nắm các giải đấu trong nước vẫn còn làm được việc là buộc sân Cao Lãnh của CS.Đồng Tháp phải có dàn đèn nếu CS.Đồng Tháp còn muốn được đá ở V-League.
 
Vậy mà hiện giờ, sau khi VPF thay VFF nắm quyền điều hành, mọi chuyện chẳng những không khá hơn, mà còn đang có chiều hướng phú quý giật lùi.
 
Đáng lo hơn nữa, trong khi chất lượng (cả về chuyên môn lẫn năng lực tổ chức) của nhiều đội ở V-League hiện nay đang bị than phiền, thì sang năm, số đội hiện diện ở V-League sẽ tăng lên. Khi đó, chẳng biết người ta còn chứng kiến bao nhiêu trường hợp giống như trường hợp của Đồng Nai? Bởi có không ít đội hạng Nhất đang rục rịch lên hạng hiện nay cũng ở tình trạng tương tự.
 
Rõ ràng là người ta đang làm… phong trào hóa giải đấu vốn được gắn mác chuyên nghiệp. Phong trào ở chỗ để tham dự V-League hiện nay quá dễ, chẳng cần đến những điều kiện tối thiểu mà một CLB muốn tham dự giải đấu này phải có, chẳng cần phải làm đúng như những gì mà FIFA và AFC khuyến cáo.
 
Theo Dân trí