Đây không phải lần đầu CGV bị tố chèn ép phim Việt. Tháng 5 vừa rồi, 8 công ty, đơn vị có liên quan đến điện ảnh (gồm VAA, BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, ER) đã gửi đơn khiếu nại lên Cục điện ảnh cho rằng CGV lợi dụng vị thế bắt chẹt phim Việt, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

 

 

CGV được cho là đã có những động thái như chiếu phim Việt vào các khung giờ không đẹp, tỷ lệ ăn chia chưa hợp lý, không đầu tư chiến dịch quảng bá… Đơn khiếu nại chỉ rõ: “Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần)”. Trước đó, năm 2010, CGV (tên gọi cũ là Megastar) cũng từng bị kiện về việc áp đặt suất chiếu và các vấn đề quanh việc chỉ định phòng chiếu, thuê phim kèm phim… Với sự vào cuộc của Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) CGV đã tự nguyện hủy mọi hành vi bị khiếu nại và thống nhất khắc phục hậu quả.

 

Lần này, việc CGV không đồng ý phát hành “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là vì hai bên không đạt được thỏa thuận tỷ lệ doanh thu. Tuy nhiên, đằng sau đó có lẽ CGV đang muốn “dằn mặt” những người làm phim Việt Nam: Một là phải chịu lợi nhuận ít, hai là không được chiếu trên hệ thống rạp của “người anh lớn” này. Rõ ràng tầm quan trọng của CGV đối với các nhà phát hành phim là rất lớn. CGV có thể không phát hành một vài bộ phim, bởi “vắng mợ chợ vẫn đông”. Nhưng nhà làm phim thì ngược lại, cần CGV để đưa phim của mình đến với đông đảo công chúng. CGV chiếm đến 40% hệ thống cụm rạp trên cả nước, không lý gì các nhà làm phim lại muốn bỏ qua đơn vị này, nếu CGV không chiếu sẽ là thiệt thòi cho phim của họ. Vậy nên, giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân trong buổi họp báo ra mắt phim Tấm Cám cũng phần nào có thể cảm thông.

 

Có ý kiến cho rằng, quan điểm “thuận mua vừa bán” áp dụng vào trường hợp phim Tấm Cám là chưa hợp lý. Thuận mua vừa bán chỉ đúng khi có nhiều người bán và nhiều người mua, mỗi người bán và người mua không ảnh hưởng gì nhiều đến giá thành sản phẩm. Thị trường điện ảnh Việt Nam lại khác. CGV nắm trong tay gần một nửa hệ thống cụm rạp. Họ hoàn toàn có khả năng chi phối thị trường nếu muốn.

 

Lấy “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” để nói lên số phận phim Việt thì quá quy chụp và không hoàn toàn chính xác. Thế nhưng từ bộ phim đầu tay của đạo diễn Ngô Thanh Vân có thể thấy rằng con đường đến với công chúng của một số bộ phim Việt Nam vẫn còn lắm chông gai.

 

Theo NTD

.