|
|
Ông Dương Văn Hiền nhận chức Trưởng Ban trọng tài VFF từ năm 2018. Ảnh: Lâm Thoả. |
- Từ đầu mùa giải V-League 2020, rất nhiều CLB đã kêu ca về vấn đề trọng tài, mà gần nhất là việc trọng tài Mai Xuân Hùng bỏ qua ba quả phạt 11m của Nam Định trong trận đấu Sài Gòn FC ở vòng 10. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này
- Tôi thừa nhận một số trọng tài đã mắc sai sót về chuyên môn, nhưng hoàn toàn không có vấn đề gì về tư tưởng hay tiêu cực. Nếu các đội bóng cho rằng trọng tài tiêu cực, hãy chỉ thẳng người đó đi. Tôi sẽ lập tức cấm họ cầm còi vĩnh viễn. Nếu không làm được như thế, tôi xin nghỉ.
Có một thực tế ở Việt Nam: trọng tài cứ sai sót là bị chụp mũ tiêu cực. Muốn khẳng định tiêu cực hay không thì phải đưa ra bằng chứng. Giả sử có vấn đề tiêu cực, vậy thì ai đưa tiền cho trọng tài? Chính là lãnh đạo các đội bóng. Vậy hãy đứng ra tố cáo, chỉ đích danh đi. Nếu thực sự có hiện tượng đó, tôi tin họ không chịu im ỉm thế đâu.
- Vậy vì sao có những đội bóng như Nam Định liên tục chịu thiệt thòi từ các trọng tài?
- Đúng là từ đầu mùa, hai lần Ban Trọng tài đã kỷ luật các nhân sự mắc sai sót trong hai trận đấu của Nam Định. Nhưng cho rằng tập trung xử ép đội bóng này là vô lý. Sai sót của các trọng tài khiến nhiều đội bóng khác cũng chịu thiệt như SLNA, Bình Dương hay Đà Nẵng... chứ không riêng gì Nam Định. Tuy nhiên, là sự cố nên có tính bất chợt, có lúc thiệt thòi ở trận này nhưng đôi khi được hưởng lợi ở trận kia. Ví dụ như SLNA. Sau trận thắng 1-0 trên sân của Hà Nội, lãnh đạo của họ gọi điện khen trọng tài trẻ mới lên V-League mà điều khiển tốt quá, áp lực lớn trên sân Hàng Đẫy mà bắt vẫn chuẩn. Nhưng ít ngày sau, chỉ vì chút thiệt thòi trong trận đấu với Nam Định, họ đã làm ầm lên, chửi bới rồi viết đơn từ nọ kia.
Rồi như Nam Định, họ chịu oan sai ở trận gặp Hải Phòng và gặp Sài Gòn nhưng lại nhận quyết định có lợi ở trận đấu với SLNA. Chỉ là có một số trùng hợp nên họ nghĩ mình bị ép thôi. Tất nhiên, về mặt cá nhân, tôi cảm thấy tội cho Nam Định. Tôi hiểu sự tức giận của Ban lãnh đạo, HLV và CĐV Nam Định. Tôi, với tư cách Trưởng Ban trọng tài, không trốn tránh trách nhiệm, thừa nhận sai sót và chân thành xin lỗi đội bóng.
- Nguyên nhân nào khiến các trọng tài mắc nhiều sai sót trong các vòng đấu đã qua?
- Hỏi tại sao thì rất khó trả lời, vì có nhiều nguyên nhân lắm. Trong một tình huống cụ thể có thể do khoảng cách đứng xa quá, bị che khuất tầm nhìn hoặc tâm lý không tốt... Kể làm sao hết được, mỗi cái sai một kiểu. Nhưng, tôi vẫn phải khẳng định lại là hoàn toàn không có trọng tài nào tiêu cực.
Ai cũng có thể mắc lỗi chuyên môn, ngay cả các cầu thủ cũng vậy chứ không riêng gì trọng tài. Ví như trận Hà Nội thua SLNA, tiền đạo Nguyễn Văn Quyết sút ra ngoài khi cách khung thành trống hơn một mét và sau đó đá hỏng một quả phạt đền. Có ai nghi ngờ cậu ấy tiêu cực không?
Trọng tài sai là chuyện vẫn xảy ra trong bóng đá. Không phải ngẫu nhiên mà FIFA áp dụng công nghệ VAR. Họ hiểu các trọng tài cũng là con người. Hãy nhìn sang giải Ngoại hạng Anh, mỗi vòng họ dùng VAR không biết bao nhiêu lần. Có trận sử dụng VAR đến bảy lần, nghĩa là trọng tài có thể sai sót tới bảy lỗi nếu không có video hỗ trợ. Thú thực, tôi mong V-League áp dụng VAR lắm. Đến lúc đó mới có thể hạn chế được sai sót, và các trọng tài được bình yên hơn.
|
|
Cầu thủ Nam Định phản ứng với trọng tài Vũ Phúc Hoan - người không thổi phạt đền cho chủ nhà dù Đỗ Merlo bị phạm lỗi trong trận đấu Hải Phòng trên sân Thiên Trường tại vòng 8 V-League 2020. Ảnh: Lâm Thỏa. |
- Một số trọng tài bị đánh giá thấp về năng lực, thậm chí bị kỷ luật nhiều lần, nhưng tại sao vẫn được phân công cầm còi ở V-League?
- Với tư cách Trưởng ban, tôi phải chịu trách nhiệm khi nhân sự của mình làm sai. Nhưng đổ hết lỗi cho tôi thì tội nghiệp lắm.
Hiện tại, chúng tôi chỉ có 20 trọng tài, mà mỗi vòng cần đến 14 người. Nếu trừ đi số bị kỷ luật, có khi chỉ vừa đủ dùng. Mọi người nói hiện tại thiếu trọng tài chất lượng là do tôi đào tạo dở. Nhưng, xin thưa rằng đây mới là năm thứ hai tôi ngồi ghế Trưởng Ban trọng tài VFF. Lứa trọng tài này đâu phải do tôi đào tạo, mà suốt từ năm hay 10 năm trước, trải qua các giải trẻ, hạng Nhì, hạng Nhất rồi mới lên V-League. Tôi nói ra đây không phải để đổ trách nhiệm cho ai đào tạo trước đó mà để mọi người hiểu cho tôi.
Trước vòng đấu nào tôi cũng điện thoại, nhắn tin cho các trọng tài, động viên anh em làm tốt nhiệm vụ. Tôi chủ yếu làm công tác tư tưởng thôi, chứ bảo rằng lời dặn dò của mình mà khiến chuyên môn các trọng tài tốt ngay lên thì đó là nói phét. Chuyên môn cần thời gian để trau dồi và thực tiễn trải nghiệm, chứ không phải chuyện một sớm một chiều. Các trọng tài trẻ mới được đôn lên V-League, năng lực còn hạn chế thì chúng ta phải chấp nhận rủi ro.
- Sau những ầm ĩ, các trọng tài cảm thấy thế nào và chia sẻ điều gì với ông?
- Họ buồn lắm chứ, nhất là những người mắc sai sót. Có người sợ không dám liên lạc, nhưng cũng có người gọi điện tâm sự với tôi.
Chúng tôi không ai muốn sai sót. Để xảy sự cố, anh em bị CLB mắng, CĐV chửi rồi chịu án kỷ luật và mang tai mang tiếng nữa. Nhưng khi phải đưa ra quyết định trong tích tắc, không thể tránh hết lỗi lầm. Ở mức độ nào đó, các đội bóng nên thông cảm. Làm trọng tài ở Việt Nam rất khổ, chẳng khác nào trên đe dưới búa. Ham nghề thì anh em làm thôi. Bản thân tôi là trọng tài 28 năm, nhưng là giảng viên đã 33 năm. Tôi là tiến sĩ, giảng viên... nhưng chỉ vì làm trọng tài mà bị chửi bới không ra gì. May mà lãnh đạo nhà trường hiểu và thông cảm. Thôi thì nghề này nó thế, họ chửi mình phải nghe.