Không chỉ thành công với những giải thưởng tại các Liên hoan phim (LHP) quốc tế, dấu ấn của điện ảnh Việt còn đang ghi nhận sự tham gia của các đạo diễn trẻ trong vai trò giám khảo tại các “sân chơi” môn nghệ thuật thứ 7 quốc tế. Nhưng đã từ lâu rồi có một câu hỏi được đặt ra là điện ảnh Việt giờ đây liệu có thương hiệu hay không…
 

Bộ phim Mưa mùa hạ dù đã giành được giải thưởng quốc tế nhưng vẫn chưa được công chiếu rộng rãi trong nước.
Bộ phim Mưa mùa hạ dù đã giành được giải thưởng quốc tế nhưng vẫn chưa được công chiếu rộng rãi trong nước.


Đạo diễn Việt Nam được mời làm giám khảo LHP quốc tế

Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phim châu Á Osaka 2016 (từ ngày 4 đến 13/3) tại Nhật Bản, sẽ 6 bộ phim Việt Nam được trình chiếu gồm: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha, con và..., Đập cánh giữa không trung, Mỹ nhân kế, Siêu nhân X, Em là bà nội của anh. Ngoài ra đạo diễn Phan Đăng Di sẽ được mời tham gia LHP với vai trò giám khảo. Sau đó 11/3, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sẽ tham gia LHP quốc tế Fribourg, Thụy Sĩ trong vai trò “người cầm cân, nẩy mực”, đánh giá chất lượng của những tác phẩm điện ảnh tham dự cuộc chơi.

Cùng với đó, Việt Nam cũng có 3 bộ phim của đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải cũng đã được chọn mời tham gia chương trình “Tháng nhận thức về Điện ảnh ASEAN” đang diễn ra tại Manila- Philippines ( từ ngày 1 đến 3/4/2016). Tuy không “nổi” như những bộ phim điện ảnh trước đó, qui mô chương trình cũng chỉ trong phạm vi các nước ASEAN, nhưng khi nhìn vào thành tích của cả 3 phim, nhiều khán giả không khỏi bất ngờ, đặt câu hỏi “Tại sao những bộ phim Việt Nam của đạo diễn Bùi Trung Hải đã từng đoạt giải thưởng quốc tế lớn đến vậy mà khán giả trong nước rất ít người biết tới”?

Cụ thể, bộ phim truyện dài “Khi nắng thu về” (giải Remi Vàng cho Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Houston lần thứ 41, 2008 tại Mỹ và là một trong 5 đề cử cho giải Trống đồng cho Phim xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế tại California, Mỹ, 2009); phim truyện ngắn “David and Luisa” (giải Remi Đồng cho Phim ngắn Chính kịch tại LHP Houston tại Mỹ, năm 2015 và là một trong những phim được đánh giá cao trong Chương trình Tranh giải chính thức tại LHP Viewster tại Thuỵ Sĩ, năm 2014); “Mưa mùa hạ” (Chương trình Tranh giải chính thức tại LHP ngắn hàng đầu nước Pháp Clermont- Ferrand, năm 2002, cũng đã được tuyển chọn Tranh giải chính thức tại Giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ cho phim Sinh viên nước ngoài, Oscars, năm 2002).

Cũng phải lấy làm mừng bởi “Tháng nhận thức về Điện ảnh ASEAN” - nhằm giới thiệu một cái nhìn chân thực hơn về điện ảnh đương đại vùng Đông Nam Á, đề cao những giá trị truyền thống, văn hoá của các nước ASEAN với những nét đặc thù khác nhau, đồng thời cũng thể hiện một bản sắc chung của cộng đồng các nước ASEAN, điện ảnh Việt Nam tham dự với 3 đại diện của một đạo diễn  (trong tổng số 23 phim tham gia). Sau khi tổ chức tại Philippines,  sự kiện điện ảnh này sẽ tiếp tục diễn ra tại tất cả các nước là thành viên của ASEAN để đẩy mạnh sự hội nhập về văn hoá, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh.
    
Phim Việt mạnh về “xuất ngoại”?


Trong các năm 2014, 2015, nhiều phim truyện điện ảnh, phim tài liệu Việt Nam được sản xuất theo cơ chế độc lập và tự phát hành đã được ghi danh ở các giải thưởng điện ảnh quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, nếu như việc “xuất ngoại” đem lại những thành công nhất định cho phim Việt thì con đường tiếp cận khán giả nội lại khá chật vật.  Đơn cử như trường hợp 3 bộ phim của đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải vừa kể trên, hẳn không phải là lần đầu tiên các sản phẩm điện ảnh Việt Nam phải đi đường vòng trong việc quảng bá sản phẩm ngay trên sân nhà.Trước đó, những bộ phim như “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), “Cha, con và…” (đạo diễn Phan Đăng Di)…trước khi đến với khán giả trong nước đã có một hành trình dài “chu du” tại các LHP quốc tế, tiếp cận khán giả nước ngoài.

Còn nữa, nếu như phim của các nhà làm phim độc lập biết cách đi đường vòng để quảng bá, thì với phim nhà nước được chu cấp về ngân sách bao lâu nay vẫn là câu chuyện người làm phim không phải lo chuyện phát hành. Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, đạo diễn Đặng Nhật Minh phân tích: “Với phim nhà nước sản xuất có một điều lạ là nhà nước tài trợ đặt hàng để sản xuất một bộ phim gọi là của nhà nước nhưng lại không cấp một đồng để quảng bá cho phim đó, lại càng không quan tâm đến việc phát hành”. Đạo diễn này cũng cho hay các phim tư nhân đã đi trước một bước.

Nếu bỏ ra 5 tỷ làm phim thì họ cũng bỏ ra hơn nửa số đó để tiếp thị. Ngoài ra, phim Việt Nam, muốn được khán giả nước ngoài biết đến phải hay, phải đề cập một cách sâu sắc đến những vấn đề của đời sống mà người Việt Nam quan tâm, nói lên tình cảm và tâm hồn của người Việt Nam, không bắt chước, không lai căng.

Trong quan niệm làm nghề, sẽ không có sự phân biệt phim của nhà nước và tư nhân, cũng như phim thương mại và phim nghệ thuật, mà chỉ có phim hay hoặc phim dở. Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh: Chúng ta vẫn có kiểu làm phim ăn xổi, dễ dãi, hời hợt... Điều đó đã khiến khán giả chưa mặn mà với phim của đạo diễn trong nước.

 

Theo Đại đoàn kết

.