Như thường lệ, các nước chủ nhà của các đại hội thể thao Đông Nam Á vẫn thường đưa một số môn lạ vào chương trình thi đấu, nhằm chiếm ưu thế cho riêng mình. Vì vậy, ngành TDTT Việt Nam khẳng định sẽ chú trọng đến các môn cơ bản để ổn định thành tích SEA Games.

 


Để tránh tình trạng thứ hạng trồi sụt thất thường sau mỗi kỳ SEA Games, khi đại hội được tổ chức ở các quốc gia khác nhau, ngành TDTT cho hay sẽ nhắm đến 2 môn trọng điểm nhất là điền kinh và bơi lội để cạnh tranh thứ hạng.

Đây là 2 môn luôn có số lượng huy chương nhiều nhất được trao, với điền kinh là 46 bộ huy chương và với bơi là 40 bộ huy chương. Đây cũng là 2 môn mà thể thao Việt Nam cực mạnh trong những năm trở lại đây ở đấu trường SEA Games, với hàng loạt cái tên nổi bật như Ánh Viên, Duy Khôi, Quang Nhật (bơi), Nguyễn Thị Huyền, Quách Công Lịch, Quách Thị Lan (điền kinh)...

Ngoài ra, một số môn khác, vốn là môn cơ bản của phong trào Olympic cũng được tập trung đầu tư để ổn định thứ hạng tại SEA Games. Số này có Bắn súng, Đấu kiếm, Cử tạ, Taekwondo...

Đây có thể xem là hướng đi đúng của ngành TDTT nước ta, chuyển dần từ đầu tư dàn trải tốn kém ở các năm trước sang đầu tư có trọng điểm, hướng đến các môn và các nội dung cơ bản của phong trào Olympic.

Về mặt cá nhân, các ngôi sao được kỳ vọng sẽ mang về nhiều HCV cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games năm 2017 có Ánh Viên (bơi - một trong những VĐV xuất sắc nhất tại SEA Games năm 2015), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh).

Ngoài ra, bóng bàn với thành công bất ngờ tại giải vô địch Đông Nam Á trong những ngày cuối năm 2016 cũng mang lại kỳ vọng mới. Từ rất lâu rồi, bóng bàn Việt Nam mới có nhiều HCV đến thế ở đầu trường khu vực, nên SEA Games tới đây trên đất Malaysia sẽ tiếp tục là nơi để làng banh nhựa tiếp tục lập công cho thể thao nước nhà.
 

Theo Kim Điền/Dân trí

.