Khi sân khấu không còn “sống tốt, sống khỏe”, các diễn viên không thể trụ lại với sân khấu mà “từng người tình bỏ ta đi” là thực tế khó tránh khỏi. Thế nhưng, trong bối cảnh ấy vẫn có những ý kiến phản biện: Sân khấu “chết” vì nghệ sĩ hay nghệ sĩ “chết” vì sân khấu?


Nói về thực trạng này, diễn viên - đạo diễn Hạnh Thúy đã hơn 10 năm trong nghề chia sẻ: “Chuyện nghệ sĩ phải đi làm nhiều việc khác để duy trì cuộc sống tôi thấy cũng bình thường. Cơ chế con người là phải vận động, cuộc sống phải vận động và về mặt nào đó cũng tốt. Vì bản thân người nghệ sĩ cũng muốn làm mới mình, mở rộng khả năng của mình ra coi mình làm được đến đâu.

Nhưng cái hại ngày càng càng thường xuyên và “càng nặng” là làm nghệ sĩ “chểnh mảng” việc chính của mình. Thu nhập nghề chính không bằng các “công việc phụ”. Chính vì thế, không ít nghệ sĩ vì nghề phụ mà quên mất nghề chính, quên mất cái “gốc” của mình là đâu. Sân khấu mất nghệ sĩ - khi nghệ sĩ “lơ là” với sân khấu thì sân khấu cũng mất luôn khán giả. Và khi mất khán giả thì nghệ sĩ sẽ không còn mặn mà với sân khấu nữa. Nó sẽ trở thành cái vòng luẩn quẩn, đưa sân khấu đến chỗ… bị “tắt thở” - nếu không có “liều thuốc” hồi sinh kịp thời và hiệu quả”.

Thực trạng cũng đã minh chứng: Khi các diễn viên không còn “mặn” với sân khấu vì rõ ràng, sân khấu không thể là nguồn thu nhập chính cho bất kỳ nghệ sĩ nào. Mỗi diễn viên, số tiền cát sê của những nghệ sĩ “đinh”, cao nhất hàng đêm cũng chỉ tối đa là 1 triệu đồng, nhưng họ phải diễn suốt 3 tiếng trên sân khấu. Chưa kể, trước đó họ đã phải dành hơn tháng trời để tập luyện trước khi lên sàn diễn. Đó là nghệ sĩ tên tuổi tại các sân khấu, còn các diễn viên chưa có tên tuổi khác lương cũng chỉ vài trăm ngàn cho một đêm diễn. So với vài triệu đồng trong vòng vài giờ tham gia các chương trình trên truyền hình là sự so sánh khá khập khiễng - một nghệ sĩ có tuổi nghề hơn 10 năm đã tâm sự.

Từ những câu chuyện kể của nghệ sĩ thời trước đến giờ thì không ai nói “sống bằng nghề” mà thường nói “sống vì nghề”. Họ có thể sống bằng nghề phụ nào đó mà nghệ sĩ có thể làm để duy trì nghề chính là diễn viên tại các sân khấu.

Ngày xưa, tiền cát sê của nghệ sĩ có khi cũng chỉ “ăn được tô phở” nhưng những cái đó cũng không làm người ta nản vì lúc đó sân khấu vẫn còn “khỏe mạnh”. Các môi trường khác dành cho nghệ sĩ “tung tăng” còn ít, nên muốn tồn tại thì nghệ sĩ phải tập trung vào nghề. Còn hiện nay, mọi người có quá nhiều sự lựa chọn cho nên không cần tập trung lắm thì nghệ sĩ vẫn có nhiều việc để làm… Và đó cũng chính là một nguyên nhân khiến ngày càng nhiều nghệ sĩ, diễn viên đua nhau “lấn sân”… để có dịp thể hiện sự đa tài của mình thì ít mà để “kiếm sống” thì nhiều…

 

Theo Dân trí

.