Các tay vợt trẻ măng giành ngôi vô địch quốc gia (VĐQG) cho thấy quần vợt Việt Nam hứa hẹn tương lai tốt. Vấn đề đối với những nhà quản lý hiện tại là làm thế nào để họ không sớm thui chột và tránh xa những tranh cãi thường thấy trong môn này.
Sự vươn lên của các tài năng “tuổi teen”
Khác với bóng bàn, quần vợt Việt Nam hiện nay có nhiều tay vợt trẻ triển vọng hơn hẳn. 2 tay vợt nam vào chung kết đơn nam giải VĐQG vừa kết thúc cách nay ít ngay đều là những VĐV chưa đến tuổi đôi mươi.
Cả Lý Hoàng Nam và Nguyễn Hoàng Thiên dù mới 16 – 17 tuổi đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, đều cho thấy sự ổn định khi biết cách vượt qua các đàn anh, để tiến vào trận chung kết.
Riêng với Hoàng Nam, tay vợt đang khoác áo Bình Dương này lần thứ 2 lên ngôi VĐQG khi mới ở đội tuổi vừa nêu ở trên. Chi tiết vừa nêu chứng minh Hoàng Nam đang phát triển đúng hướng.
Thậm chí, việc Hoàng Nam và Hoàng Thiên đụng nhau trong trận chung kết “tuổi teen” vẫn chưa đáng chú ý và chưa bất ngờ bằng chiến thắng của Huỳnh Phi Khanh ở nội dung đơn nữ.
|
Mới 16 tuổi, nhưng Hoàng Nam đã 2 lần VĐQG |
Tay vợt mới 19 tuổi của TPHCM đánh bại đàn chị Huỳnh Phương Đài Trang trong trận chung kết với tỷ số 2-0 (6/4, 6/1), dù trước khi giải diễn ra, Phi Khanh không được đánh giá cao. Trường hợp của Phi Khanh cũng chính là bất ngờ lớn nhất của giải năm nay.
Việc các tay vợt trẻ thành công có thể có 2 cách giải thích, thứ nhất là do các tay vợt kỳ cựu như Minh Quân, Quốc Khánh, Chí Khương, Đài Trang… đã đi xuống. Cách thứ hai là các tay vợt trẻ lên quá nhanh.
Giới chuyên môn và người hâm mộ quần vợt nước nhà nghiêng về khả năng thứ 2 nhiều hơn, bởi thời gian qua, các tay vợt trẻ đang có những bước tiến khá chắc, chứng tỏ họ không hề ăn may.
Ví dụ như chuyện trước giải VĐQG 2013, Hoàng Nam từng vô địch nội dung đơn nam đại hội thể thao trẻ châu Á, điều mà trước đó chưa từng có tay vợt Việt Nam nào làm được.
Trách nhiệm của các nhà quản lý
Việc các tay vợt trẻ trưởng thành, cộng với chuyện đội tuyển quần vợt nam Việt Nam giành được suất thăng từ nhóm 3 lên nhóm 2 giải quần vợt đồng đội Davis Cup, cho thấy tiềm năng phát triển của làng banh nỉ nước nhà là rất sáng sủa.
Chỉ có điều, dường như quần vợt Việt Nam vẫn chưa tập hợp được đầy đủ sức mạnh của mình, để phát triển tốt hơn nữa.
Đơn cử là câu chuyện tranh cãi triền miên của quần vợt nội trong mấy năm gần đây, theo kiểu “quân anh – quân tôi”, sự bất đồng giữa bộ môn quần vợt thuộc Tổng cục TDTT với Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF).
Chính những bất đồng này dẫn đến việc tân vô địch quốc gia, đồng thời là tân vô địch Đại hội thể thao trẻ châu Á Hoàng Nam không cùng đội tuyển dự Davis Cup. Ngoài ra, HLV ruột của Hoàng Nam là Trần Đức Quỳnh cũng không dự giải đấu này.
Trong môn quần vợt, không ít trường hợp người ta xem cái TÔI lớn hơn cái CHUNG, từ đó dẫn đến hiện tượng thích thì tập trung đội tuyển, không thích thì nghỉ, ngay cả khi được triệu tập làm nhiệm vụ quốc tế như Davis Cup, hay SEA Games.
Cách quản lý nhân sự, đặc biệt là khâu quản lý đội tuyển của VTF cũng không nghiêm. Khác với bóng đá, VĐV không chịu lên tuyển khi có lệnh triệu tập thường bị xử rất nặng để làm gương, kể cả xử nặng với các ngôi sao, ở môn quần vợt, chưa bao giờ VTF mạnh tay với những án kiểu này, khiến cho VĐV, HLV càng lúc càng xem thường kỷ cương của đội tuyển.
Quy trình tuyển chọn nhân sự ở đội tuyển của chưa ổn. Cựu TTK VTF Huỳnh Ngọc Lệnh từng cho rằng: “Chúng ta đang thực hiện quy trình chưa ổn, lẽ ra phải chọn HLV trước, để cho HLV chọn VĐV theo yêu cầu chuyên môn, thì chúng ta thường làm ngược lại”.
Có thể chính việc làm chưa đúng quy trình là một trong những nguyên nhân gây nên các tranh cãi, khi HLV trưởng không được toàn quyền quyết định về chuyên môn, và khi chính những nhà quản lý cũng chưa trao hết quyền cho HLV trưởng.
Đấy là những vấn đề mà làng banh nỉ Việt Nam cần giải quyết, tránh những tranh cãi không đáng có, và nhất là để tập hợp được nguồn tài năng, cũng như không để cho các tay vợt trẻ thui chột vì chính đường đi sai của người lớn.
Theo Dân Trí