Ra rạp trong vài ngày nhưng không có khán giả, bộ phim được đầu tư lớn - "Sống cùng lịch sử" của đạo diễn Thanh Vân - phải ngừng chiếu. 
 
Trong đợt phim ra rạp dịp lễ 2/9 vừa qua tại Hà Nội có ba phim được nhà nước rót kinh phí là Sống cùng lịch sử, Mộ gió và Đam mê. Dù được đầu tư với kinh phí lớn, các phim này chung số phận - chỉ trụ rạp được vài ngày và phải ngừng chiếu vì không bán nổi vé - dẫn tới thất bại về doanh thu lẫn hiệu ứng xã hội. 
 
 Bộ phim
Bộ phim "Sống cùng lịch sử" được đầu tư tới 21 tỷ đồng.
 
Sống cùng lịch sử được xem là thất bại lớn nhất dù được nhà nước mạnh tay đầu tư 21 tỷ đồng. Đây là một trong số dự án phim lịch sử có kinh phí lớn nhất của Việt Nam, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản. Phim xoay quanh nhóm bạn trẻ đi phượt qua những chiến tích Điện Biên Phủ năm xưa. Suốt hành trình, họ mơ thấy mình xuất hiện trong những trận chiến của ông cha, gặp các anh hùng lịch sử và hóa thân thành những dân công kéo pháo, đào hầm trong 56 ngày đêm. Từ những con người của thế giới hiện đại, sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội, họ dần thay đổi theo hướng tích cực.
 
Sống cùng lịch sử ban đầu được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho mảng phim lịch sử. Tác phẩm từng được chọn mở màn đợt phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chiếu miễn phí cho học sinh, sinh viên trên cả nước từ ngày 26-30/4.
 
Song, khi chính thức ra rạp ở Hà Nội dịp 2/9 vừa qua, những gì đoàn làm phim của NSND Thanh Vân nhận được chỉ là những hàng ghế trống tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và rạp Kim Đồng. Các nhà quản lý hai rạp này đã phải liên tục hủy các buổi chiếu vì số lượng khán giả tới xem chỉ từ 2 đến 3 người.
 
Đạo diễn Thanh Vân chia sẻ, bộ phim của ông không quá coi trong yếu tố kinh doanh mà tập trung truyền tải các thông điệp lịch sử đến khán giả. Sau khi chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và rạp Kim Đồng, đạo diễn Thanh Vân sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn Hà Nội chiếu Sống cùng lịch sử tại các trường đại học trong thời gian tới.
 
Giải thích thêm cho việc vắng khách, đạo diễn cho rằng nguyên nhân là phim được chiếu gói gọn trong hệ thống rạp nhỏ ít tính cạnh tranh. Ông nói: "Ê-kíp đã cố liên lạc với các rạp nhà nước lẫn tư nhân. Tuy vậy, không phải chủ rạp tư nhân nào cũng đồng ý bởi họ còn phải tính đến bài toán kinh doanh khi trình chiếu bộ phim". Đạo diễn Thanh Vân khẳng định, đợt chiếu vừa qua chỉ để chào mừng lễ 2/9 chứ không phải đợt phát hành quy mô toàn quốc. 
 
Đạo diễn Thanh Vân cho rằng việc quảng bá phim rộng rãi không chỉ phụ thuộc vào mỗi ê-kíp sản xuất mà còn phải nhờ tới các công ty, tổ chức chuyên nghiệp.
Đạo diễn Thanh Vân cho rằng việc quảng bá phim rộng rãi không chỉ phụ thuộc vào mỗi ê-kíp sản xuất mà còn phải nhờ tới các công ty, tổ chức chuyên nghiệp.
 
Một lý do khác khiến Sống cùng lịch sử không được công chúng biết đến rộng rãi là khâu quảng bá phim kém. Liên lạc với các đại diện của một số nhà phát hành và hệ thống rạp lớn tại Hà Nội và TP HCM, họ đều khẳng định không nhận được bất kỳ lời đề nghị hợp tác phát hành, quảng bá hay đề xuất trình chiếu nào từ phía đoàn phim Sống cùng lịch sử của đạo diễn Thanh Vân.  
 
Trong khi đó, ra rạp cùng thời gian với Sống cùng lịch sử, Mộ gió và Đam mê, những bộ phim tư nhân như Scandal 2, Mất xác... có kế hoạch quảng bá bài bản. Chiến lược tiếp thị của họ bắt đầu từ khi dự án phim còn nằm trên giấy và được tiếp diễn liên tục cho tới khi ra rạp. Ý thức rõ ảnh hưởng của truyền thông đối với sự thành bại của doanh thu phim, các nhà sản xuất tư nhân dành một khoản ngân sách lớn cho chi phí quảng bá trong tổng kinh phí làm phim. Trong khi đó, thậm chí ngay cả khi đã ra rạp, thông tin về sự tồn tại của các bộ phim nhà nước vẫn rất ít ỏi.
 
NSND Thanh Vân thừa nhận đơn vị sản xuất của Hãng phim truyện Việt Nam không có bộ phận chuyên nghiệp để giúp dự án đến với nhiều khán giả. 
 
Ngoài việc thiếu chiến lược PR, Sống cùng lịch sử, cũng như nhiều bộ phim khác được nhà nước đầu tư, còn thất bại về doanh thu do thiếu sự khảo sát nhu cầu thị trường, thị hiếu khán giả.
 
Với tư cách là đồng nghiệp, đạo diễn Nhuệ Giang - vợ của NSND Thanh Vân  cho biết, việc phim Sống cùng lịch sử bị thờ ơ, lạnh nhạt là có thể đoán trước. "Bộ phim được chiếu vào ngày lễ vốn là dịp khán giả thường đi xem phim giải trí nên phần nào không thu hút được như mong đợi. Cuộc sống hiện đại không còn sâu sắc như xưa nên những phim như Sống cùng lịch sử khi chiếu vào những dịp như vậy chỉ hấp dẫn với những người già hoặc các lớp khán giả hay hoài niệm về quá khứ", bà chia sẻ.
 
Tuy vậy, đứng ở góc độ khán giả, bà Nhuệ Giang lại cho rằng Sống cùng lịch sử là một bộ phim hay. Ngoài khai thác hình ảnh đẹp với các cuộc chiến đấu hoành tráng, các gương mặt anh hùng tiêu biểu, bộ phim còn mang nhiều ý nghĩa lịch sử.
 
Bản thân đạo diễn Thanh Vân hoàn toàn hài lòng về nội dung và cách thể hiện của bộ phim. Nhưng ông cũng thừa nhận sự kén khách của đề tài chiến tranh, lịch sử đối với khán giả Việt. Ông cho biết, dòng phim lịch sử Việt Nam từ trước tới nay vốn không được yêu thích bằng phim giải trí. Đạo diễn cho rằng điều này chỉ có thể thay đổi khi xã hội xây dưng hệ thống giáo dục ý thức lịch sử dân tộc tốt hơn.
 
Khán giả Bình Mai (27 tuổi, Hà Nội), cho biết: "Tôi thấy bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh hơn so với các bộ phim về lịch sử trước đây. Mặc dù vậy, Sống cùng lịch sử vẫn đi theo lối mòn với cách xây dựng cốt truyện xa rời thực tế, lời thoại cũ kỹ và có nhiều tình tiết hơi vô lý". Một khán giả khác cho rằng, bộ phim vẫn còn mang nặng tính tuyên truyền, hơn nữa lại chỉ chiếu ở hai rạp nên ít người đi xem là chuyện bình thường.
 
Sống cùng lịch sử hay Mộ gió và Đam mê không phải là những phim nhà nước đầu tiên thất bại về mặt doanh thu. Trước đó, không ít phim từng được ra mắt rồi  “đắp chiếu”, cất kho như Rừng đen, Chơi vơi hay Vũ điệu đam mê. Những bộ phim này sau khi ra rạp đều bị loại khỏi danh sách chiếu sau hai tuần vì quá ế. Một số tác phẩm từng đoạt giải cao hoặc gây tiếng vang trên quốc tế như Mùi cỏ cháy hay Tâm hồn mẹ ra mắt năm 2011 lại không có cơ hội để ra rạp trong nước bởi gặp vấn đề về kinh phí phát hành.
 
Theo VnExpress