Trong bộ đồng phục giản dị của Đoàn thể thao Cần Thơ, đại kiện tướng cờ vua Phạm Lê Thảo Nguyên - vận động viên hàng đầu quốc gia, nằm trong top 100 nữ kiện tướng xuất sắc nhất thế giới với hệ số ELO đạt 2338, gây ấn tượng bằng những thành tích thi đấu cờ vua mà cô đạt được khi tuổi đời mới 28 mà tuổi nghề thì đã ở con số 23.

 

 Kỳ thủ Việt Nam Phạm Lê Thảo Nguyên. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Kỳ thủ Việt Nam Phạm Lê Thảo Nguyên. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)


Thầy Hồ Văn Huỳnh, Trưởng bộ môn cờ vua, Trung tâm Thể dục Thể thao thành phố Cần Thơ không giấu được niềm tự hào khi nói về cô học trò cưng của mình: "Phạm Lê Thảo Nguyên từng đoạt giải Nhất cờ vua cấp thành phố cho khối Tiểu học khi em mới 6 tuổi, từ đó em được tuyển vào đội thi đấu cờ vua Cần Thơ và sinh hoạt tại đây cho đến bây giờ. Là vận động viên cấp quốc gia, Thảo Nguyên cũng thường xuyên lên Thành phố Hồ Chí Minh tập huấn cùng đội tuyển quốc gia với lịch thi đấu trong và ngoài nước dày đặc."

Mẹ Thảo Nguyên chia sẻ: "hồi nhỏ, Thảo Nguyên rất hiếu động, nghịch ngợm như con trai, gia đình tập cho con chơi cờ để mong rèn cho con gái sự kiên trì, trầm tĩnh. Không ngờ cô bé năm tuổi ấy, chỉ sau một năm được cha mẹ chỉ bảo cho những nước cờ đầu tiên, đã giành giải Nhất môn Cờ vua toàn thành phố Cần Thơ khi mới vào lớp 1."

Hỏi về những huy chương mà cô đã đạt được, Thảo Nguyên cười e thẹn: “Em cũng không thể nhớ hết, chỉ nhớ gần đây nhất, tháng 12/2014, em đoạt hai huy chương Vàng tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc.”

Thầy Hồ Văn Huỳnh cho biết, Thảo Nguyên là một cô học trò kiên trì, nội lực cao, có khả năng tự nghiên cứu và làm việc với thái độ nghiêm túc, luôn tuân thủ nghiêm ngặt lịch tập huấn, cũng như có tinh thần cầu tiến cao, hiếm khi thấy em than mệt, chán nản, hay bỏ lịch tập dù cường độ thi đấu, di chuyển của một đại kiện tướng luôn dày đặc.

Thảo Nguyên chia sẻ, khó khăn chung của các vận động viên Việt Nam hiện nay là thiếu sự đào tạo bài bản, hầu hết các thầy hướng dẫn tập trung việc cung cấp tài liệu để học trò tự nghiên cứu, chứ chưa có người chỉ ra cho các em những mặt yếu của bản thân để các em có thể khắc phục và nâng cao khả năng thi đấu.

Ngoài ra, việc được cọ xát trong thi đấu trên trường quốc tế cũng còn nhiều hạn chế. Châu Âu là nơi được đánh giá quy tụ những kỳ thủ có hệ số ELO cao, nhưng vận động viên Việt Nam ít được qua đây tập huấn do hạn hẹp về kinh phí cũng như những khó khăn trong thủ tục làm visa. Chính vì lẽ đó, khi phải “cân não” với các đối thủ “nặng ký” quốc tế, các kỳ thủ Việt Nam thường khó giành được kết quả tốt nhất do không vượt qua được yếu tố tâm lý, bị “khớp” vì ít cơ hội cọ xát thực tế để tích lũy kinh nghiệm cũng như bản lĩnh thi đấu.

Cô gái vàng của thể thao Việt Nam, Phạm Lê Thảo Nguyên đang có một tương lai đầy hứa hẹn, khi liên tục chứng minh được phong độ đỉnh cao của mình với các huy chương vàng đóng góp cho thành tích của đội tuyển Quốc gia cũng như đội tuyển thành phố Cần Thơ.

Theo chia sẻ của thầy Hồ Văn Huỳnh, năm 2013, Thảo Nguyên đã được FIDE (Fédération Internationale Des Échecs) - Liên đoàn Cờ vua Quốc tế, công nhận chuẩn Đại kiện tướng nữ, đến nay Thảo Nguyên đã đạt chuẩn Kiện tướng nam (tiêu chuẩn rất khó đạt được đối với nữ). Trong lịch sử thi đấu cờ vua Quốc tế, ngoài Thảo Nguyên ra, mới chỉ có một vận động viên người Hungary đạt được chuẩn này.

Tin vui đối với cá nhân Thảo Nguyên, cũng là của thể thao Cần Thơ, đầu năm 2015, đại kiện tướng cờ vua hàng đầu Việt Nam, Nguyễn Ngọc Trường Sơn - bạn trai của Thảo Nguyên sẽ về đầu quân cho đội tuyển Cờ vua Cần Thơ. Hy vọng, với sự chắp cánh của tình yêu, cặp đôi vàng của thể thao nước nhà sẽ còn thăng hoa hơn nữa trong sự nghiệp thi đấu của mình.

Cô gái hay cười, ít nói, không nhớ mình đã giành được bao nhiêu huy chương, đã đặt chân đến bao nhiêu quốc gia để thể hiện tài năng Cờ vua Việt Nam, hiện đang ấp ủ những dự định để có thể cống hiến nhiều hơn cho thể thao Cần Thơ, nơi đã phát hiện và ươm mầm tài năng cho Thảo Nguyên tỏa sáng.

Kế hoạch dài hơi, đến một độ tuổi nhất định, khi không còn thi đấu cho đội tuyển Quốc gia nữa, kỳ thủ Phạm Lê Thảo Nguyên sẽ trở về quê nhà để giữ vai trò huấn luyện viên, dìu dắt những thế hệ đàn em, đưa cờ vua Việt Nam ngày càng vươn cao, vươn xa hơn.../.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.