Nữ rapper người Ấn "gây bão" với ca khúc phản đối Unilever
Cập nhật lúc 10:26, Thứ hai, 17/08/2015 (GMT+7)
Sofia Ashraf hiện là cái tên được thế giới chú ý sau khi phát hành ca khúc có nội dung tố cáo Tập đoàn Unilever gây ô nhiễm môi trường tại thị trấn Kodaikanal, Ấn Độ mang tên "Kodaikanal Won't". Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
(BVPL) - Sofia Ashraf hiện là cái tên được thế giới chú ý sau khi phát hành ca khúc có nội dung tố cáo Tập đoàn Unilever gây ô nhiễm môi trường tại thị trấn Kodaikanal, Ấn Độ mang tên “Kodaikanal Won’t”.
“Kodaikanal Won’t” được đặt theo tên của khu nghỉ dưỡng Kodaikanal ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Ca khúc này có phần nhạc “nhái” theo bài “Anaconda” của nữ rapper người Mỹ Nicki Minaj, nhưng phần lời thì mang nội dung đả kích việc một nhà máy sản xuất nhiệt kế của Unilever hủy diệt sinh thái Kodaikanal khi làm rò rỉ một lượng lớn thủy ngân ra ngoài môi trường.
Nhà máy nhiệt kế Kodaikanal được Unilever khánh thành vào năm 1987. Tuy nhiên, hoạt động đến năm 2001 thì các công nhân làm việc tại đây bắt đầu xuất hiện triệu chứng nhiễm độc thủy ngân. Cùng lúc đó, các tổ chức vì cộng đồng tại Ấn Độ cũng phát hiện nhiều mảnh vỡ nhiệt kế còn sót thủy ngân rải rác khắp các khu rừng ở Kodaikanal. Khi vụ việc được đưa ra tòa, Unilever thừa nhận việc thải mảnh vỡ nhiệt kế chưa qua xử lý nhưng từ chối chịu bất cứ trách nhiệm nào vì cho rằng lượng thủy ngân quá ít để có thể gây hại đến môi trường.
Trên thực tế, hơn một thập kỷ sau khi nhà máy này đóng cửa, các tổ chức y tế tại Ấn Độ đã lần lượt chữa trị cho hơn 1.000 cựu công nhân Unilever bị nhiễm độc thủy ngân nặng, đồng thời phát hiện hàm lượng chất thủy ngân trong không khí, nguồn nước và đất ở Kodaikanal cũng cao gấp 1.000 lần mức cho phép.
“Hậu quả rành rành trước mắt nhưng Unilever lại xem như không phải trách nhiệm của họ. Họ là một tập đoàn lớn, còn chúng tôi chỉ là một thị trấn nhỏ ít ai quan tâm. Đây là một cuộc chiến không cân sức nếu bạn chọn cách đấu tranh trực diện”, Sofia Ashraf chia sẻ lý do cô quyết định sử dụng âm nhạc để tố cáo Unilever. Sofia cho biết khoảng thời gian làm việc tại một công ty quảng cáo giúp cô học cách sử dụng “văn hóa đại chúng” (pop culture) để thu hút sự chú ý của dư luận.
“Việc lồng ghép yếu tố chính trị vào một ca khúc “chế” lại nhạc phẩm nổi tiếng như “Anaconda” của Nicki Minaj sẽ thu hút được sự quan tâm từ hàng triệu fan của cô ấy. Người ta sẽ tò mò mà tìm hiểu xem lời ca khúc nói về vấn đề gì, sự việc gì, diễn ra ở đâu… và thế là chúng tôi thành công trong việc đưa thông điệp của mình ra thế giới”, Sofia chia sẻ.
Nữ rapper cũng cho biết hình ảnh trong sạch của Unilever trước đây luôn rất vững chắc trong mắt người tiêu dùng Ấn Độ cũng như thế giới nói chung cho nên “đây là cách hiệu quả mà lại ít tốn kém nhất để đối đầu với đế chế hùng mạnh này”.
Những nỗ lực của Sofia được ghi nhận khi “Kodaikanal Won’t” đạt 2 triệu lượt xem trên YouTube trong ngày ra mắt đầu tiên. Những thông điệp mạnh mẽ “Unilever, hãy thu dọn đống tàn cuộc mà các người gây ra. Kodaikanal sẽ không dừng lại khi các người chưa nhận tội” đã tạo nên sức ảnh hưởng trên toàn cầu.
“Mỗi ngày chúng tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ các tờ báo lớn trên thế giới để tìm hiểu về sự việc. Sofia cũng sẽ sớm xuất hiện trong các talkshow nổi tiếng ở Mỹ và châu Âu để trả lời phỏng vấn. Ngay cả Unilever trước đây phớt lờ chúng tôi thì nay đích thân CEO sắp phải gửi thư điều đình. Tôi nghĩ Kodaikanal đang tiến tới thành công trong việc giành lại công lý”, nhà hoạt động môi trường Nityanand Jayaraman, đối tác của Sofia trong chiến dịch, cho biết.
Ngọc Phương - Sơn Hà