|
|
Người hâm mộ tràn xuống sân khi các nhân viên an ninh nỗ lực ngăn chặn họ trong cuộc bạo động tại sân vận động Kanjuruhan. Ảnh: EPA |
FIFA đã yêu cầu một báo cáo về thảm kịch chết người trong trận đấu cuối tuần qua.
Theo hãng tin AP, việc giành được quyền đăng cai Vòng Chung kết World Cup U20 là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển bóng đá của Indonesia, làm dấy lên hy vọng rằng một giải đấu thành công sẽ giải quyết được những vấn đề tồn đọng lâu nay đối với môn thể thao ở đất nước 277 triệu dân này.
Tuy nhiên, cái chết của ít nhất 125 người trong trận đấu giữa đội chủ nhà Arema của thành phố Malang và Persebaya Surabaya vào ngày 1/10 vừa qua là một lời nhắc nhở đau lòng: Indonesia vẫn là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với khán giả đến xem một trận đấu bóng đá.
“Hãy nhớ rằng World Cup U20 sẽ là tâm điểm chú ý trên toàn thế giới vì sự kiện này có sự tham gia của 24 quốc gia từ 5 châu lục”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố hồi tháng trước khi ông kêu gọi các cơ quan, đoàn thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho giải đấu.
Kể từ ngày 1/10, giải bóng đá trong nước của Indonesia đã bị đình chỉ. Tổng thống Widodo ra lệnh cho Bộ thể thao, cảnh sát quốc gia và liên đoàn bóng đá tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về thảm kịch chết người trên sân vận động Kanjuruhan.
Theo số liệu của tổ chức Save Our Soccer, trong 28 năm qua, không tính đến thảm kịch hôm 1/10 thì đã có khoảng 78 người thiệt mạng trong các vụ liên quan đến bóng đá Indonesia. Những người bị buộc tội thường có mối liên hệ với các nhóm cổ động trung thành và quá khích, đặc biệt là với những câu lạc bộ có hàng trăm nghìn người hâm mộ.
Trong trận đấu ngày 1/10 tại sân vận động Kanjuruhan chứa hơn 42.000 người, bạo lực đã nổ ra khi đội chủ nhà thua 3-2 trước đội khách. Người hâm mộ câu lạc bộ Arema đã ném chai lọ và các đồ vật khác vào các cầu thủ và quan chức bóng đá.
Người hâm mộ bóng đá cáo buộc lực lượng an ninh đã nặng tay trong vụ ẩu đả. Các nhân chứng mô tả cảnh sát đã tác động bằng gậy và khiên chắn trước khi bắn súng hơi cay vào đám đông.
Nhà phân tích bóng đá Akmal Marhali nói với truyền thông Indonesia ngày 2/10: “Cảnh sát phụ trách an ninh đã vi phạm các quy định về an ninh và an toàn sân vận động của FIFA. Hiệp hội bóng đá Indonesia có thể đã sơ suất khi không thông báo cho cảnh sát rằng các quy tắc an ninh tại một trận đấu bóng đá không giống với các quy tắc an ninh tại một cuộc biểu tình”.
Năm 2019, khi FIFA trao cho Indonesia quyền đăng cai World Cup U20. Đây được coi là một tín hiệu của việc tín nhiệm.
Vào tháng 6, một hội đồng của FIFA đã kiểm tra các cơ sở bóng đá của Indonesia lên kế hoạch cho giải đấu từ ngày 20/5 đến ngày 11/6 và tuyên bố họ hoàn toàn hài lòng về điều kiện tổ chức.
Roberto Grassi, Trưởng bộ phận Giải đấu Trẻ của FIFA, cho biết: “Chúng tôi rất hài lòng khi chứng kiến sự chuẩn bị ở Indonesia. Rất nhiều công việc tân trang đã được thực hiện. Chúng tôi đã có một chuyến thăm đáng khích lệ và tin tưởng vào sự hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan”.
Sân vận động Kanjuruhan không nằm trong số 6 cơ sở tổ chức các trận đấu cho World Cup U20.
FIFA vẫn chưa đưa ra bình luận về bất kỳ tác động tiềm tàng nào đối với giải World Cup U20 nhưng thảm kịch cuối tuần có khả năng làm tổn hại đến nỗ lực đăng cai Asian Cup 2023 của Indonesia. Nước này đang cạnh tranh với Hàn Quốc và Qatar để trở thành chủ nhà của giải vô địch châu lục sau khi Trung Quốc từ bỏ quyền tổ chức vào tháng 5.
Năm 2007, Indonesia đã đồng tổ chức giải đấu Asian Cup với Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cũng như đăng cai trận chung kết ở Jakarta. Đó là lần cuối cùng Indonesia tổ chức một giải đấu bóng đá quốc tế lớn. Liên đoàn bóng đá châu Á dự kiến công bố quyết định về giải đấu năm 2023 vào ngày 17/10.