Nỗ lực chuẩn bị

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) Đặng Hà Việt cho biết: Sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng phê duyệt đề án tổ chức đại hội, Tổng cục TDTT đã tham mưu Bộ tích cực triển khai và hoàn thiện nhiều công việc quan trọng.

leftcenterrightdel
 Đại hội Thể thao toàn quốc là sự kiện để tăng cường nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và tác dụng của TDTT, thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT. Ảnh: L.S

Cụ thể, Tổng cục TDTT tham mưu Bộ VH,TT&DL thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội, gồm 16 thành viên, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng thời thành lập Ban Tổ chức Đại hội, gồm 25 thành viên, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đồng Trưởng Ban Tổ chức.

Quán triệt tại buổi họp nghe báo cáo về công tác tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 đã nhấn mạnh: "Từ kinh nghiệm tổ chức thành công SEA Games 31, các đơn vị phải chủ động, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, chúng ta tự tin tổ chức thành công đại hội nhưng cũng không được chủ quan, phải xây dựng các kế hoạch một cách chi tiết, cụ thể, rõ người rõ việc. Tinh thần chung là hướng đến chủ đề vì Việt Nam cường thịnh".

"Nhìn chung, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội được các địa phương, đơn vị liên quan tích cực triển khai. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu, điều kiện ăn, nghỉ tại Quảng Ninh và các địa phương cơ bản đảm bảo các yêu câu của Đại hội. Các địa phương và 2 ngành Công an, Quân đội đã tích cực chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự Đại hội", ông Đặng Hà Việt cho biết.

Về công tác chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất, Tổng cục TDTT đã phân công đại diện các bộ phận chuyên môn, phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đăng cai tiến hành kiểm tra, rà soát.

Qua rà soát, về cơ bản các địa phương đều đảm bảo yêu cầu chuyên môn do tận dụng sau khi tổ chức SEA Games 31, thực hiện đúng theo yêu cầu của Đề án được phê duyệt là tận dụng, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất tại SEA Games 31.

Tại Hà Nội - địa phương đăng cai tổ chức 7 môn thể thao (bóng đá, vật, judo, kurash, bi-a, bi sắt, futsal nam và 1 môn xã hội hóa là bowling), Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, địa phương đang chủ động chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức đại hội. Về cơ bản, điều kiện cơ sở vật chất các địa điểm đăng cai đều đảm bảo, đạt yêu cầu. Trang thiết bị tập luyện, thi đấu hầu hết đều thụ hưởng từ SEA Games 31 nên khá thuận lợi và đạt tiêu chuẩn. Trong đó, môn thể thao lần đầu tiên tổ chức tại đại hội là futsal nam sẽ được tổ chức tại Cung Điền kinh trong nhà để đảm bảo chất lượng thay vì địa điểm Nhà thi đấu Thanh Trì như dự kiến ban đầu.

Tuy vậy, theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trong quá trình rà soát toàn bộ 43 môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của đại hội, công tác chuyên môn cũng gặp đôi chút khó khăn tại Thanh Hóa - do đây là địa phương không đăng cai môn thi đấu của SEA Games 31 hồi tháng 5. Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho hay, phía tỉnh Thanh Hóa cũng đã có báo cáo về việc sẽ chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị tổ chức 3 môn thi đấu của đại hội

Đảm bảo tính chuyên môn cao

Thông tin về lực lượng vận động viên tham dự đại hội, Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn cho hay, do thời gian tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc đã có những thay đổi, điều chỉnh so với dự kiến ban đầu. Nên một số môn thể thao sẽ buộc phải thi đấu sớm hơn dự kiến do vướng lịch thi đấu quốc tế.

"Tổng cục TDTT đã tính toán kỹ phương án tổ chức để giúp các VĐV tránh trường hợp bị trùng lịch thi đấu các giải quốc tế nhằm đảm bảo tính chuyên môn. Tổng cục TDTT đã đồng ý với phương án tổ chức thi đấu sớm một số môn trước thời gian diễn ra chính thức của đại hội" - ông Trần Đức Phấn chia sẻ.

Đặt mục tiêu Nhất toàn đoàn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, bên cạnh việc tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức, Hà Nội cũng đang gấp rút chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự Đại hội lần này với dự kiến khoảng 1.500 người, trong đó có 271 HLV, 1.109 VĐV và các chuyên gia, phiên dịch, bác sĩ, cán bộ. Cụ thể, đoàn thể thao Hà Nội phấn đấu đạt thành tích từ 135 - 140 HCV, 80 HCB, 81 HCĐ.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Hà Nội đã tạo điều kiện cho các VĐV trọng điểm được tham gia các đợt tập huấn quốc tế. Trong đó, VĐV các môn như: Bắn cung, bắn súng, đua thuyền, kiếm quốc tế, thể dục, taekwondo... đi tập huấn tại Hàn Quốc; bắn súng, bi sắt, kick boxing, muay... tập huấn tại Thái Lan.

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX dự kiến được tổ chức vào trung tuần tháng 12 năm 2022 tại Quảng Ninh và một số địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa. Đại hội có sự tham dự của 65 đoàn VĐV đến từ các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc, tranh tài ở 43 môn thể thao.

Đây là sự kiện thể thao quan trọng được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện về chất lượng phong trào TDTT trong cả nước, kịp thời phát hiện và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng VĐV sẵn sàng tham dự thi đấu tại SEA Games lần thứ 32 năm 2023, Thế vận hội Olympic lần thứ 33 vào năm 2024, Đại hội thể thao châu Á lần thứ 20 năm 2026. Bên cạnh đó, đại hội cũng là sự kiện để tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tác dụng của TDTT, thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và điều hành của đội ngũ cán bộ, trọng tài.

 

Theo TTXVN