Nếu như vào tầm này năm ngoái, ca khúc "Bốn chữ lắm" (sáng tác Phạm Toàn Thắng, biểu diễn Trúc Nhân và Trương Thảo Nhi) "càn quét" trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc uy tín trong nước thì năm nay, thật khó gọi tên một ca khúc thực sự ấn tượng. Nhiều người cho rằng, năm 2015 là một năm "thất bát" của nhạc Việt khi không có ca khúc thật xuất sắc mặc dù số lượng ca khúc mới ra đời không phải ít.
 


"Hiện tượng" ca khúc "Thật bất ngờ" (sáng tác Mew Amazing, biểu diễn Trúc Nhân) ra đời thời gian gần đây là một ví dụ. Ca khúc đã đánh trúng tâm lý đám đông khi đề cập đến những chuyện "nhốn nhao" (từ dùng trong ca khúc) của showbiz, với câu chuyện tầm phào về "Người đàn bà hở hang/xong đến chuyện thì nở nang/xong đến chuyện mặt hàng thời trang/Anh kia cặp với chị này/Anh kia lừa dối chị này…".

Ngay từ khi xuất hiện, "Thật bất ngờ" đã tạo nên "cơn sốt" trong giới trẻ, thu hút hàng triệu lượt xem. Ca khúc "Vì tôi còn sống" của "Cô gái tóc xù" Tiên Tiên cũng nhận được vô số lời khen tặng từ khán giả với thông điệp sống về sự lạc quan: "Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép/Cứ yêu đi dù rằng mình ngu si/Cứ đam mê dù nhiều người cười chê/Cứ vui lên, vì ta không cô đơn…".  Ca khúc "Nước ngoài" của Phan Mạnh Quỳnh viết về chủ đề xuất khẩu lao động tưởng chừng rất khô khan nhưng được thể hiện thành công bằng những lời ca chất chứa tâm sự của người con khi phải bôn ba kiếm sống nơi xứ người.

Nổi bật về mảng đề tài xã hội không thể không nhắc đến nhạc sĩ/ca sĩ trẻ Tạ Quang Thắng. Ca khúc "Lá cờ", kể về câu chuyện của chàng thanh niên sinh ra trong hòa bình, không biết chiến tranh là gì nhưng tình yêu đất nước, tổ quốc được hun đúc trong những câu chuyện qua lời kể của cha… Tâm sự của Tạ Quang Thắng đã "chạm" đến trái tim, là nỗi lòng của nhiều bạn trẻ. Chính vì vậy, ca khúc này, từ một cảm xúc mang tính cá nhân đã trở thành câu chuyện chung của nhiều người.

"Sống như những đóa hoa" đã mang đến những thông điệp sống tích cực: dù gặp khó khăn, vất vả hãy luôn yêu đời và thắp sáng ngọn lửa của niềm tin, hãy sống như những đóa hoa để tỏa hương và hiến dâng cho cuộc đời. Ngoài ra, Tạ Quang Thắng còn sở hữu nhiều ca khúc hay, có ý nghĩa sâu sắc như "Một tôi rất mới", "Cuộc đời là những chuyến đi", "Cười lên"…

Ưu điểm nổi bật của mảng đề tài xã hội chính là tính thời sự. Khác với thế hệ nhạc sĩ đi trước, những ca khúc phản ánh đề tài xã hội hiện nay được thể hiện dưới góc nhìn trẻ, trong đó cái tôi cá nhân của người sáng tác khá đậm nét. Câu chuyện được kể như là nỗi lòng của một cá nhân với suy tư, trăn trở về cuộc sống nhưng người nghe lại tìm thấy chính mình trong ca khúc. Điều đó có nghĩa là, vấn đề, suy nghĩ của "cái tôi" đã tìm được tiếng nói chung, trở thành cái "chúng ta". Nhờ có hiệu ứng này mà sức lan tỏa, ý nghĩa xã hội của ca khúc sẽ ngày càng mạnh mẽ.

Trở lại câu chuyện về sự thiếu vắng ca khúc "đỉnh cao" trong năm 2015. Thiếu vắng ca khúc hay không đồng nghĩa với việc thị trường âm nhạc đang đi xuống. Ca khúc xuất sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xuất hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài năng của nhạc sĩ, ca sĩ, thời điểm xuất hiện ca khúc và cả sự may mắn. Thậm chí, có người còn cho rằng, việc xuất hiện ca khúc nổi bật cũng mang tính quy luật.

Sau "Bốn chữ lắm", có thể sẽ mất một, hai năm nữa mới xuất hiện ca khúc có sức bật tương tự. Tôi tin rằng, thế hệ nhạc sĩ trẻ tài năng và ca khúc về mảng đề tài xã hội với góc nhìn mới sẽ "lên ngôi" trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhạc sĩ trẻ vẫn cần thêm thời gian để rèn giũa tài năng, trải nghiệm, tích lũy vốn sống cho chính mình…

 

Theo Công an nhân dân

.