Nghịch lý Olympic Việt Nam
Cập nhật lúc 10:48, Thứ tư, 24/09/2014 (GMT+7)
Đội Olympic Việt Nam là bộ mặt của nền tảng trẻ bóng đá Việt Nam, nhưng nhìn sâu xa vào cái cách xây dựng và đón nhận đội quân của HLV Miura thì lại thấy rất nhiều "bộ mặt" khác ẩn trước và sau đội bóng đấy. (U19, V-League, Olympic Việt Nam, Olympic UAE, HLV Miura)
Đội Olympic Việt Nam là bộ mặt của nền tảng trẻ bóng đá Việt Nam, nhưng nhìn sâu xa vào cái cách xây dựng và đón nhận đội quân của HLV Miura thì lại thấy rất nhiều “bộ mặt” khác ẩn trước và sau đội bóng đấy.
Đấy là nghịch lý đầu tiên của bóng đá trẻ Việt Nam dưới cấp độ đội Olympic.
Olympic cũng là đội bóng khi chuẩn bị làm nhiệm vụ quốc gia thì họ bị xem như “con ghẻ”. Cứ xem cái cách VFF lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho họ và quan tâm đến các cầu thủ sắp đi làm nhiệm vụ ở cấp độ châu lục thì sẽ biết.
Cùng tập trung ở Hà Nội, đội tuyển quốc gia mãi đến cuối năm mới đá AFF Cup nhưng lại có một trận giao hữu quốc tế với Hong Kong trong khi đội Olympic thì “đá chay” với đội bóng đàn anh ở đội tuyển và lầm lũi lên đường. Cũng thời điểm đó, truyền thông và lãnh đạo VFF “hút” hết vào U19 đá cúp Nutifood đến độ ngày xuất quân của Olympic rất âm thầm lặng lẽ. Nói như các cầu thủ Olympic là họ từ tủi thân đến tự ái và quyết biến nỗi đau, biến sự xa lánh đấy thành hành động.
Đó là chưa kể khi bóng chưa lăn ở Incheon, ông Chủ tịch VFF trong lúc “sướng” với không khí mà người hâm mộ dành cho U19 đã đưa ra quan điểm: để cầu thủ U19 dự SEA Games thay đội Olympic và thậm chí là đá vòng loại World Cup thay đội tuyển.
Nghịch lý thứ hai xuất phát từ góc nhìn của chính những nhà làm bóng với tư tưởng “ôm con người ta làm con mình”, rồi biến thành “con yêu” để rường cột của đội trẻ quốc gia đi làm nhiệm vụ có cảm giác mình là “con ghét”.
Qua hai chiến thắng của Olympic Việt Nam, điều khiến cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn ngạc nhiên là thể lực và tinh thần của các cầu thủ Olympic Việt Nam rất cao, rất sung sức. Từ xưa đến nay khi bước ra ngoài khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam hay thể hiện bộ mặt nhợt nhạt và đuối sức đặc biệt ở 30 phút cuối hiệp 2. Đàng này chính Iran lực lưỡng và giàu thể lực cùng Kyrgyzstan nhiều lúc muốn hụt hơi trước các cầu thủ Olympic Việt Nam.
Điều này đã được chính Lê Công Vinh khi trực tiếp đón nhận những bài tập của HLV người Nhật – Toshiya Miura ở đội tuyển đã chia sẻ: “Bài tập thầy Nhật đưa vào rất nặng, nhưng đặc biệt là liệu pháp hồi phục tích cực để trở lại trang thái bình thường thì rất đáng ghi nhận. Nó là phương pháp mới giúp cầu thủ tập rất nặng và tích lũy tốt, nhưng không mệt mỏi và không nặng vì được hồi phục nhanh, hồi phục tích cực…”.
Lời Công Vinh nhận xét rất giống với thời HLV Tavares - vốn là chuyên gia thể lực Brazil - “nhồi” các cầu thủ Việt Nam trong vòng 25 ngày, nhưng đá Cúp Độc Lập năm 1995 khiến hai đội Trung Quốc và Hàn Quốc bị chuột rút trong khi hai đội Việt Nam 1 và 2 khi ấy vẫn chạy ầm ầm. Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia phân tích: phần thể lực vẫn là những bài tập vòng tròn nhưng tần số cao hơn, kèm theo chế độ ăn uống cùng hồi phục tích cực.
Nghịch lý thứ ba: Olympic Việt Nam ít được đầu tư quan tâm nhưng bài tập và sự tiếp thu rất hiệu quả, cùng với tinh thần thi đấu rất cao và rất tập trung. Lần đầu tiên đứng đầu bảng ở Asiad và chơi với một lối chơi giàu sức thuyết phục được báo chí khu vực nhìn nhận, đánh giá cao, đây là cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Sẽ còn nhiều trải nghiệm và nhiều kiểm chứng nữa mà trước mắt là trận knock out vòng 16 đội trước Olympic UAE, nhưng có thể nói sức sống của Olympic Việt Nam đã mang đến những hiệu ứng tích cực. Nó khác hẳn với quan điểm chỉ chơi quanh quẩn Đông Nam Á và ít niềm tin mà chính những nhà điều hành bóng đá vốn không kỳ vọng nên đối xử rất hời hợt, lạnh nhạt.
Theo Khám phá
.