Trong thời đại toàn cầu hóa, hợp tác sản xuất phim là một xu thế tất yếu, đặc biệt với nền điện ảnh non trẻ như ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi mà chúng ta yếu thế hơn so với đối tác thì các thành công bước đầu của điện ảnh Việt Nam lại thành “có tiếng không có miếng”.

 


Lý giải cho thực trạng này, diễn viên Thái Hòa, “chị Hội” của “Để Mai Tính” cho biết, hệ thống phân phối kết nối toàn cầu cùng tính chuyên nghiệp và minh bạch trong khâu sản xuất là nguyên nhân chính khiến các nhà làm phim Việt tin tưởng giao phó đứa con tinh thần cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Anh kể lại một kỷ niệm đẹp trong quá trình quay “Để Mai Tính 2”, khi đích thân CEO của CGV Cinema từ Hàn Quốc sang Việt Nam để thăm hỏi và tặng quà cho cả đoàn làm phim. “Các đối tác người Hàn luôn thể hiện sự trân trọng đối với đội ngũ sản xuất phim bằng các chính sách bảo vệ quyền lợi và tưởng thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Chỉ cần bạn thực sự có tài, bạn sẽ được tạo điều kiện để thỏa chí sáng tạo”- Thái Hòa chia sẻ.

Theo anh, để đạt được vị trí hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã sớm nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam và sớm tiến hành các nghiên cứu về thị hiếu, quan điểm, văn hóa, cùng với luật lệ điện ảnh của nước ta.

Trong khi đó các hãng sản xuất phim nội địa lại thường vướng vào những lùm xùm về phong cách làm việc không chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn, đặc biệt là thói quen “khai khống” doanh thu lên cả chục lần so với thực tế khiến nhiều nhà làm phim có ý định hợp tác phải đắn đo. Sự thiếu hỗ trợ từ các nhà quản lý điện ảnh Việt Nam cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta chịu lép vế trên chính sân nhà. Ở Hàn Quốc, các tác phẩm truyền hình - điện ảnh đều được chính phủ tài trợ 30% không hoàn lại vốn với mục đích xuất khẩu văn hóa và sản phẩm Hàn ra thế giới.

Ở Việt Nam, ngoại trừ các bộ phim được nhà nước đặt hàng, các tác phẩm tư nhân chỉ được nhận một khoản hỗ trợ khiêm tốn. Từ đó dẫn đến việc các nhà sản xuất phải tìm thêm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp nước ngoài, mà hậu quả là những tác phẩm “con lai” như “Tuổi Thanh Xuân”, kể câu chuyện về một cô gái Việt Nam do quá hâm mộ các thần tượng Hàn Quốc đến mức học tiếng Hàn, bắt chước cả lễ nghi giao tiếp của người Hàn, thậm chí cư xử như một cô gái Hàn Quốc chuẩn khi đi du học ở Hàn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chỉ sợ trong một tương lai không xa chúng ta sẽ được chứng kiến một nền điện ảnh “xác” Việt nhưng “hồn” lại là của Mỹ, Nhật, Hàn…

 

Theo Người tiêu dùng

.