Không ít người đã tỏ ra băn khoăn trước những con số doanh thu “khủng” của các phim Việt được nhà sản xuất hoặc nhà phát hành công bố. Nhiều người còn khẳng định, đó có thể chỉ là những con số mang tính “quăng bom”.
Những con số “khủng” có nói lên thực tế?
Theo báo cáo sơ kết công tác điện ảnh 6 tháng đầu năm 2017 của Cục Điện ảnh, bộ phim “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn đạt mức 170 tỷ đồng là bộ phim có doanh thu kỷ lục nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Bộ phim đã vượt qua con số 102 tỷ đồng của phim “Em là bà nội của anh” - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng gây bùng nổ thị trường điện ảnh trước đó.
Và vượt qua cả 101 tỷ đồng của phim “Để mai tính 2” - đạo diễn Charlie Nguyễn; 85 tỷ đồng của phim “Quả tim máu” - đạo diễn đạo diễn Victor Vũ; 81 tỷ đồng của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - đạo diễn Victor Vũ; 80 tỷ đồng của phim “Tèo em” - đạo diễn Charlie Nguyễn; 70 tỷ đồng của “Chàng trai năm ấy” - đạo diễn Quang Huy và 67 tỷ đồng của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” - đạo diễn Ngô Thanh Vân...
|
“Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn đạt mức 170 tỷ là bộ phim có doanh thu kỷ lục nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam. Ảnh: CGV. |
Thoạt nhìn vào nhưng con số “biết nói” này hẳn nhiều người sẽ cho rằng, phim Việt đang không thua kém gì các “bom tấn” của Hollywood nếu tính theo tiêu chí doanh thu trong phim vi công chiếu hẹp. Trên bình diện này, rõ ràng việc đầu tư sản xuất phim đang là “món hời” không thể bỏ qua của các nhà đầu tư.
Thực tế, phim Việt những năm qua có sự phá triển khá tốt về mặt số lượng. Năm 2016, có 40 phim Việt được tung ra rạp. Và theo số liệu từ Cục Điện ảnh thì tính đến 9/6/2017 đã có 16 phim truyện chiếu rạp Việt Nam được cấp phép phổ biến. Nghĩa là bình quân, mỗi tháng có gần 3 phim Việt “đổ bộ” vào toàn hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc.
Đề tài, chủ đề, thể loại… cũng ngày càng đa dạng và phong phú, bắt kịp với xu hướng làm phim trên thế gới. Nhiều bộ phim đã chú trọng đến việc liên kết sản xuất để tạo ra những sản phẩm điện ảnh, vừa phù hợp với thị hiếu trong nước, vừa có thể mang bán bản quyền ra nước ngoài.
Cụ thể, dự án “Girls 2 - Những cô gái và gangster” do Trần Bảo Sơn đóng vai trò sản xuất đã “chịu chơi” tới mức mời Hoàng Chân Chân – đạo diễn nổi tiếng của Hồng Kông qua làm đạo diễn và mời võ sĩ nổi tiếng Mike Tyson (Mỹ) cùng một loạt các ngôi sao điện ảnh: Trương Quân Ninh, Trần Y Hàm, Tiết Khải Kỳ… (Hồng Kông, Đài Loan) tham gia phim.
Tuy nhiên, thực tế thì phim Việt vẫn đang “thua” trên sân nhà. Các phim vẫn phải dựa vào những cái tên mang tính “bảo chứng phòng vé” để gỡ gạc doanh thu chứ chưa thể dựa vào kịch bản để kéo khán giả. Chất lượng phim vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, ngay cả đối với những phim có doanh thu công bố “trên trời”.
Sự phân biệt của các nhà phát hành đối với phim Việt vẫn còn tồn tại. Nhiều vụ lùm xùm liên quan đến việc bị nhà phát hành “đối xử tệ” như với trường hợp của: “Vệ sĩ, tiểu thư và chàng khờ”, “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”, “Cha cõng con”… thời gian qua là một minh chứng.
Có những phim ra rạp 3 ngày đã “biến mất”…
Vào năm 2016, khi nhìn vào con số 700 tỷ của doanh thu phim Việt trong báo cáo của một hội thảo diễn ra tại Hà Nội, đạo diễn Vũ Hoàng Điệp cùng nhiều đạo diễn khác đã có phần thảng thốt. Nữ đạo diễn phim “Đập cánh giữa không trung” phát biểu rằng, cần phải xem lại những con số này vì không có đơn vị sản xuất hay kinh doanh nào dám công bố một cách thực tế con số chính xác trong hoạt động kinh doanh phim mà họ đã đạt được. Và chị cũng băn khoăn không hiểu tại sao lại có những số liệu về doanh thu điện ảnh lớn đến như vậy.
Bản thân diễn viên, đạo diễn Việt Anh cũng tỏ ra nghi ngờ về những con số doanh thu “khổng lồ” mà các nhà sản xuất phim Việt công bố thời gian gần đây. Theo nam diễn viên này, việc “thổi phồng” doanh thu hoàn toàn có thể xảy ra và không phải chỉ mới xảy ra thời gian gần đây. Và phần lớn những con số “khủng” kia chỉ mang tính “quăng bom” để PR cho bộ phim.
Nhiều nguồn tin cho hay, độ cạnh tranh suất chiếu hàng ngày giữa phim Việt với phim Việt, giữa phim Việt với phim bom tấn rất gắt gao. Phim Việt này chưa chiếu xong trọn vẹn một tuần thì đã có phim khác ra rạp. Và trong một ngày, chỉ có 2 khoảng thời gian rạp đông nhất trong ngày là suất chiếu lúc 11h - 13h và suất chiếu từ 17h - 21h. Tức là những suất chiếu trên có khả năng đầy rạp, còn lại những khung giờ khác số ghế chưa đến 1/2, thậm chí chưa đến 1/3 rạp kín ghế, nhất là các rạp ở các tỉnh vào ngày thường.
Theo tìm hiểu, cứ dựa vào lượng vé bán ra 3 ngày đầu của một bộ phim đã đoán biết được phim đó ăn khách hay không. Doanh thu ba ngày đầu sẽ chiếm 40% doanh thu của phim sau khi rời rạp. Cho nên vòng đời của một bộ phim Việt rất ngắn. Thậm chí, có những phim chỉ vừa ra rạp đã biến mất ngay sau ba ngày chiếu.
Bên cạnh đó, nhiều rạp sẵn sàng cắt bớt suất chiếu hoặc “đày” vào các suất chiếu ít người xem nếu các nhà phát hành thấy phim không thật sự hút khách như phim bom tấn. Ngược lại, những phim nếu có lượng khách tăng đột biến sẽ được tăng suất chiếu lên.
Theo Cục điện ảnh, tính đến tháng 6/2017, trong cả nước đã có 628 phòng chiếu với 94.905 ghế. Nhưng theo tìm hiểu thì các nhà phát hành vẫn đang phải dựa vào nguồn thu đến từ các bộ phim “bom tấn” của Mỹ là chủ yếu. Phim Việt vẫn chưa đủ sức thay đổi thói quen dành sự lựa chọn số 1 cho phim Việt mỗi khi bước chân vào rạp của số đông khán giả.
Vì lẽ đó, nhìn vào những con số doanh thu “khủng” mà các nhà phát hành hoặc nhà sản xuất phim công bố, người ta có thể thấy con số đó là thật hay ảo bởi số lượng rạp, ghế, suất chiếu của một bộ phim Việt khi ra rạp đều được thống kê khá rõ. Và như vậy, những con số doanh thu cả trăm tỷ một bộ phim rất khó lòng để có thể tin được.
Theo Hà Tùng Long/Dân trí