Trên dưới chục lần để mất bóng nhưng vẫn không chịu sửa và nhất là không chịu phối hợp với đồng đội, chính Công Phượng đang góp phần khiến cho HA Gia Lai yếu đi vì thói quen thích đá… một mình.
 
 
Những pha đột phá kiểu ấy đôi khi trở nên vô ích, vì chủ yếu Công Phượng chỉ dẫn bóng quẩn quanh, có qua người cũng không giải quyết vấn đề gì. Thậm chí còn làm chậm nhịp tấn công của toàn đội, trong những tình huống mà một đường chuyền lên phía trên đôi khi đơn giản hơn nhiều, nhanh hơn nhiều so với những pha đi bóng.
 
Rồi lúc đến phần sân của đối phương, các pha đi bóng của Công Phượng lại không khó để các hậu vệ Quảng Nam ngăn chặn, vì Công Phượng chủ yếu chỉ dẫn bóng vào bức tường dày đặc người của đối thủ.
 
Cũng ở trong những tình huống ấy, các đồng đội của Công Phượng nơi tuyến trên là Văn Toàn và Sanogo ở vào tình huống thuận lợi hơn nhiều. Họ đôi lần xin bóng từ cầu thủ nổi đình nổi đám nhất bóng đá nội, nhưng đáp lại họ, Công Phượng thay vì chuyền cho đồng đội lại tự mình làm mất bóng.
 
Cái dở của Công Phượng khi anh chơi bóng quá cá nhân trong các trận đấu ở V-League thời gian gần đây cũng là cái dở của HA Gia Lai, khi đội bóng phố núi không có người nhắc Công Phượng phải biết nhìn đồng đội mà đá.
 
Nó khác với ở đội tuyển U23 Việt Nam, nơi Công Phương không dám đá theo kiểu tự phát như thế, nơi Công Phượng vẫn ngại các đồng đội xung quanh, và nhất là ngại HLV Miura, bởi ông thầy người Nhật biết cách chỉ cho Công Phượng ở vị trí nào thì anh cần làm gì! 
 
Một chuyên gia lão làng từng nói rằng cách huấn luyện của HLV Miura ở đội tuyển U23 Việt Nam có nguy cơ làm hại sự phát triển của lứa U19 Việt Nam năm ngoái, trong đó bao gồm cả Công Phượng. 
 
Thực tế có vẻ đang chứng minh điều ngược lại so với nhận định của vị chuyên gia ấy, đúng hơn là Công Phượng lúc gặp HLV Miura như cá gặp nước, biết phát huy điểm mạnh và biết che bớt điểm yếu của mình, còn lúc ở HA Gia Lai như bây giờ, Công Phượng càng lúc càng tự phát, càng lúc càng lạc nhịp với bóng đá hiện đại.
 
Theo Dân trí
 
.