Hiếm có giải đấu nào trên thế giới mà ở đấy người ta có thể thay ngoại binh đến 4 lần trong một mùa, mà cũng chưa có gì đảm bảo rằng đấy là lần cuối cùng. Có vẻ như người ta sẵn sàng… phong trào hóa giải chuyên nghiệp.
 
 
Rồi người theo dõi V-League cũng không rõ những quy tắc, những quy định về hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp có giá trị gì ở giải đấu này hay không? Thành ra mới có chuyện một CLB cứ thoải mái dùng cầu thủ 2 – 3 trận rồi bỏ, tuyển người khác, xài ít trận, lại bỏ.
 
Nếu đã thử, anh có thể thử trước khi đăng ký danh sách, còn nếu đã đăng ký danh sách, thì cần có sự ràng buộc nhất định giữa người sử dụng lao động (tức các CLB) và người lao động (tức cầu thủ). Đã là giải đấu thì cầu thủ thi đấu ở giải đấu ấy phải có hợp đồng chuyên nghiệp, chứ không phải hợp đồng gói gọn trong vài ba trận. Đã là giải đấu chuyên nghiệp thì càng không thể có chuyện các đội bóng thích thì gom quân, không thích thì giải tán, rồi thanh lý cầu thủ chỉ trong nháy mắt được.
 
Đấy là hình ảnh của những giải đấu… phủi, chứ không phải là sân chơi chuyên nghiệp. Còn đâu giá trị của những người điều hành V-League khi một mặt họ tuyên bố cần có sự đảm bảo tương lai của các cầu thủ, cần có sự phát triển bền vững của từng CLB, thể hiện qua hợp đồng dài hạn với người lao động, mặt khác họ lại cho phép chuyện tuyển rồi đuổi cầu thủ ngoại dễ như trở bàn tay.
 
Vừa đá bóng, vừa thổi còi
 
Dĩ nhiên ở đây luật của V-League là do những người đang điều hành giải đấu soạn ra, nên cũng tự họ có thể đổi khi muốn đổi. Điều lệ của V-League cũng do những người điều hành giải đấu nắm trong tay, nên họ muốn điều chỉnh cũng không phải là chuyện khó.
 
Nhưng có sửa luật kiểu gì thì sửa, có điều chỉnh điều lệ kiểu gì thì điều chỉnh, việc tiên quyết là phải dựa trên những nguyên tắc bất di bất dịch về chuyện tôn trọng quyền lợi của người lao động, tôn trọng tính kỷ cương của giải đấu. Nó khác với các kiểu người ta có thể lách luật, có thể nắn điều lệ, rồi hướng một giải đấu chuyên nghiệp theo kiểu phong trào, khiến cho việc thay và đăng ký cầu thủ cứ loạn hết cả lên.
 
Người ta cũng có quyền thắc mắc đặt trường hợp đội có nhu cầu thay cầu thủ quá nhiều lần, vì tuyển người quá “lỏm” không phải HA Gia Lai của ông phó chủ tịch cơ quan có quyền to nhất trong việc điều hành bóng đá nội thì sao? – Các năm trước khi HA Gia Lai không có nhu cầu thay người nhiều như bây giờ, V-League có bát nháo kiểu đấy hay không?
 
Cả V-League đang mang tiếng ưu ái đội bóng của bầu Đức sau lần giúp cho sân Pleiku thoát án kỷ luật nặng vì vụ “vỡ sân” ngay vòng đầu, đang mang tiếng vì các trọng tài cứ hễ điều khiển các trận HA Gia Lai là bị phàn nàn vì những tiếng còi trong những tình huống nhạy cảm, nên đừng để mang tiếng thêm về chuyện sẵn sàng… phong trào hóa giải chuyên nghiệp vì đội bóng của ông phó chủ tịch cơ quan điều hành bóng đá nội.
 
Tiếc nhất ở chỗ bầu Đức vốn lâu nay là người nổi tiếng chơi đẹp, nhưng V-League cứ được nắn chỉnh theo kiểu chưa hề có tiền lệ trên bình diện thế giới như thế này, thì bản thân bầu Đức bây giờ không muốn mang tiếng là vừa đá bóng, vừa thổi còi cũng khó!
 
Theo Dân Trí
.