Những năm gần đây, từ Tokyo, Hong Kong, Seoul cho đến Bangkok, Manila, Kuala Lumpur…, từ CEO chính khách, sĩ quan cao cấp cho đến nhân viên văn phòng… cơn sốt mang tên "hàng hiệu" đã tràn qua châu Á.

 

Vượt xa các quốc gia giàu có ở châu Âu - nơi ra đời các dòng đồ này - và các châu lục khác, châu Á đã trở thành châu lục xài hàng hiệu lớn nhất thế giới.

Các cửa hàng đồ hiệu đang có mặt tại hầu hết các quốc gia châu Á.
Các cửa hàng đồ hiệu đang có mặt tại hầu hết các quốc gia châu Á.

 Không khó để nhận ra sự mê đắm của người châu Á với các mác hàng hiệu. Hai nhà nghiên cứu thị trường châu Á là Radha Chadha và Paul Husband, đồng tác giả cuốn "The cult of the luxury brand" (Tình yêu hàng hiệu) đã đưa ra con số gây giật mình: người châu Á đang tiêu thụ 50% lượng hàng hiệu thế giới.

 

Không ở nơi nào trên thế giới, hàng hiệu lại có sức hút lớn như ở châu Á, nơi trang phục nói rất nhiều điều về người sở hữu. Cuộc "đổ bộ" của những nhãn hàng hiệu lớn nhất thế giới không chỉ tập trung vào các thành phố giàu có như Thượng Hải, Tokyo, Hong Kong, Seoul mà còn đang chinh phục cả những đô thị mới nổi tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Theo một nghiên cứu của Công ty Synovate, dân châu Á "chịu chơi" hơn nhiều so với người tiêu dùng phương Tây khi nhắc đến đồ hiệu. Tại Hong Kong (Trung Quốc), 68% những người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ thích một món hàng hiệu và không chấp nhận đồ nhái.

Tại Mỹ, khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ cảm thấy tội lỗi khi mua hàng hiệu. Ngược lại, tại Ấn Độ, người tiêu dùng mô tả hàng xa xỉ là "chất lượng" và "sành điệu". Gần 2/3 số người Ấn Độ được hỏi nói không hề cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền vào hàng hiệu.

 

Trong khi đó, mặc dù là một quốc gia còn nghèo nhưng, nhiều người Ấn Độ lại coi hàng hóa xa xỉ là một dấu hiệu của tăng trưởng kinh tế hơn là lãng phí, theo Mick Gordon thuộc văn phòng Ấn Độ của Synovate. Năm 2010, LVMH Moe’’ Hennessy Louis Vuitton, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, đã kiếm được 6,9 tỷ bảng Anh (9,7 tỷ USD) tại châu Á với hệ thống hơn 800 cửa hàng. Trong khi đó, doanh thu tại 570 cửa hàng ở Mỹ là 4,6 tỷ bảng Anh.

 

Không những vậy, nhiều người châu Á "nghiện" đến mức tổ chức các chuyến đi mua sắm hàng hiệu tại châu Âu, nơi được cho là "rẻ nhất" để mua hàng cao cấp, đặc biệt với việc hoàn thuế 7 - 10% cho khách du lịch. Nhiều nhãn hàng cao cấp từ châu Âu, châu Mỹ đang lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán châu Á, đặc biệt là Hong Kong để khai thác thị trường béo bở này.

 

 Tháng 5 vừa qua, hãng sản xuất túi xách Prada của Mỹ tuyên bố cổ phiếu của họ có thể sẽ được giao dịch tại Trung Quốc vào cuối năm nay với kỳ vọng tăng uy tín trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.

 

Quyết định niêm yết cổ phiếu của Prada tại Hong Kong, chứ không phải Milan - địa bàn của công ty này gần 100 năm nay - do mong muốn khai thác sâu nhóm đầu tư tiềm năng châu Á là các quỹ đầu tư và những danh nhân giàu có. Điều này phản ánh khát khao của Prada là nhập sâu hơn vào một thị trường hàng xa xỉ đang sôi sục.

Theo HNM