Bóng đá Việt Nam lại "đau đầu vì tiền"
Cập nhật lúc 00:27, Thứ ba, 03/11/2015 (GMT+7)
Câu chuyện Cà Mau xin bỏ giải hạng Nhất vì thiếu kinh phí một lần nữa dóng lên hồi chuông báo động về cái gọi là chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. (nghỉ chơi, Bóng đá Việt Nam, Cà Mau, thiếu tiền, VFF)
Câu chuyện Cà Mau xin bỏ giải hạng Nhất vì thiếu kinh phí một lần nữa dóng lên hồi chuông báo động về cái gọi là chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.
Tình trạng các đội bóng bỏ giải vì thiếu tiền đã dóng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam. Một nền bóng đá chỉ được coi là chuyên nghiệp khi tự bản thân nó nuôi sống nó chứ không phải trông chờ vào ngoại lực. Tuy nhiên, xét ở thời điểm hiện tại, các CLB V-League hay hạng Nhất liệu có mấy cái tên tự có thể nuôi sống mình? HAGL là đội bóng duy nhất làm được điều này.
Theo công bố của HAGL khi kết thúc mùa giải 2015, doanh nghiệp của bầu Đức không phải chi một xu. Gia Lai cũng không mất một đồng ngân sách nào “nuôi” thày trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn, trong khi HAGL sau khi trừ các chi phí lãi hơn 5 tỷ đồng. Đáng nói ở chỗ, mùa giải 2015 mới là năm đầu tiên đội bóng phố Núi có lãi kể từ khi làm bóng đá.
Vì sao thiếu tiền?
Đặt câu hỏi ngược lại tại sao các CLB ở V-League hay giải hạng Nhất không có được nguồn thu ổn định để tự quyết định số phận của mình. Cần biết rằng, doanh thu của một đội bóng chuyên nghiệp tới từ tiền tài trợ, bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình, bán áo đấu... Tuy nhiên, hầu hết các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam chỉ có được tiền tài trợ từ các doanh nghiệp cộng thêm ngân sách địa phương.
Tiền bản quyền truyền hình là miếng bánh cực kỳ béo bở ở những nền bóng đá phát triển nhưng V-League gần như có cũng như không. VPF mới công bố tiền bản quyền truyền hình cho mùa giải 2016 của V-League là 30 tỷ đồng. Tuy vậy, 14 đội dự giải đấu cao nhất Việt Nam sẽ không được nhận một xu bởi tất cả đều được quy đổi thành số phút quảng cáo dành cho các đơn vị tài trợ.
Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ đài truyền hình nào cũng có thể vác máy vào quay, phát sóng trực tiếp V-League mà không cần bỏ một đồng. Càng chạnh lòng khi nhìn sang người hàng xóm Thái Lan, mỗi mùa trung bình một CLB dự Thai Premier League nhận ít nhất 629 nghìn USD (tương đương 12 tỷ) tiền bản quyền truyền hình từ BTC.
Doanh thu từ bán vé của các CLB cũng chẳng đáng kể khi cuối tuần các sân bóng V-League đa phần vắng bóng khán giả trừ một vài sân như Pleiku (HAGL), Vinh (SLNA) hay sân Cẩm Phả (T.Quảng Ninh). Tiền quảng cáo càng mờ mịt bởi đa phần biển quảng cáo trên sân đều chỉ để ngoại giao và cho... kín chỗ. Mùa giải 2015, HAGL tuyên bố lãi cả tỷ đồng từ việc bán áo đấu nhờ sức hút của lứa Công Phượng. Các đội bóng khác tuy không lên tiếng nhưng dù có cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với con số chi tiêu lên tới vài chục tỷ.
Để giải quyết triệt để thực trạng trên, V-League buộc phải thay đổi. Bởi chẳng ai muốn bỏ tiền mua vé vào sân để xem các cầu thủ đá bóng như diễn kịch. Chất lượng nhiều trận đấu tại V-League ở mức rất thấp. Công tác điều hành qua loa, nhiều bất cập khiến nhà đài trong nước không mặn mà với việc mua bản quyền truyền hình chứ chưa nói đến nước ngoài. Bản thân các CLB cũng chưa ý thức được việc tạo dựng bản sắc riêng để kiếm tiền từ việc bán áo đấu hay thu hút thêm tài trợ.
Theo baogiaothong.vn
.