Cả 5 trận thua ở vòng loại thứ 3 môn bóng đá nữ Olympic Rio 2016 – khu vực châu Á, phản ánh chính xác năng lực của bóng đá nữ Việt Nam hiện nay so với nhóm đầu châu lục. Và để thu ngắn khoảng cách với nhóm này, không phải là chuyện của ngày một ngày hai.


Khoảng cách còn xa

Để thua cả 5 trận, chỉ ghi được 1 bàn, trong khi thủng lưới đến 22 bàn, kết quả đấy phản ánh trình độ của bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn xa so với đẳng cấp châu Á. Thậm chí, bàn thắng mà Huỳnh Như ghi được vào lưới Nhật Bản (trong trận thua 1-6) còn là bàn thắng đầu tiên của đội tuyển nữ Việt Nam trước nhóm 5 “bà chị” Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên tại các giải đấu chính thức.

Đấy đều là những thông số cho thấy bóng đá nữ Việt Nam kém nhóm đầu châu lục cả về chất lượng con người, tố chất của cầu thủ, cho đến nền tảng của bóng đá nữ trong nước so với họ.

Cách đây 2 ngày, trả lời phỏng vấn của FIFA, HLV đội tuyển futsal Việt Nam Bruno Garcia của đội tuyển futsal Việt Nam đã nói đến con đường phát triển lâu dài của futsal, đó là phải cải thiện chất lượng từ HLV, nhà quản lý, cho đến cầu thủ, chú trọng khâu đào tạo, cải thiện hệ thống thi đấu quốc nội, có lên – xuống hạng, giải league phải kéo dài để các cầu thủ được cọ xát thường xuyên, đưa môn chơi vào học đường để mở rộng diện phát hiện tài năng…

 

 Bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn cách xa trình độ châu Á
Bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn cách xa trình độ châu Á


Tất cả những vấn đề cần giải quyết trong môn futsal ở Việt Nam, mà vị HLV người Tây Ban Nha bày tỏ với FIFA cũng là vấn đề đối với bóng đá nữ.

Về mặt chất lượng con người, không chỉ cầu thủ Việt Nam kém các nền bóng đá hàng đầu châu Á, mà chất lượng nhà quản lý và chất lượng HLV cũng kém. Riêng chất lượng HLV trong nước thật đáng báo động, bởi tư tưởng và phương pháp huấn luyện của giới HLV bóng đá nữ đã lạc hậu so với bên ngoài hàng chục năm, thậm chí vài chục năm.

Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia cũng không đủ dài để các cầu thủ có thể thi đấu hàng tuần và tập luyện hàng ngày như khuyến cáo của HLV Bruno Garcia. Giải vô địch của chúng ta có tổng thời lượng thi đấu vào khoảng 30 – 40 ngày/năm, số lượng đội tham dự ít (chỉ 7 đội), không có lên xuống – hạng, lại hầu như chỉ là nơi mà 2 trung tâm gồm Hà Nội và TPHCM tranh chấp ngôi vô địch hàng năm, nên sức cạnh tranh kém.

Con đường để phát triển

Hệ thống thi đấu của giải quốc nội cũng không đầy đủ, bóng đá nữ không có các giải như cúp quốc gia, cúp các đội mạnh,… nên cơ hội cọ xát của các cầu thủ nữ càng thấp.

Câu chuyện đưa bóng đá nữ vào học đường càng là câu chuyện nan giải với những người làm bóng đá, khiến cho chúng ta không thể so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hoặc thậm chí là so với Thái Lan về tính phổ cập bóng đá nữ.

Tuy nhiên, nếu như cách nay 16 năm, chúng ta từng phát hiện cầu thủ nữ thông qua phong trào bóng đá học đường, cụ thể là phát hiện thủ môn Kiều Trinh qua Hội khỏe Phù Đổng năm 2000, nay lại không thể thực hiện được điều này thì đấy quả là một bước lùi.

Dĩ nhiên, để thực hiện được tất cả những điều ấy không phải là chuyện của ngày một ngày hai, đặc biệt là vấn đề tìm nguồn tài chính và tìm nhà đầu tư cho bóng đá nữ. Nhưng nếu những nhà quản lý nền bóng đá vì khó mà không làm, hoặc nếu cơ quan quản lý nền bóng đá không vạch ra được lộ trình bài bản thì nhà đầu tư nào dám tin và dám nhảy vào?

Thật ra thì câu chuyện của futsal cách nay chục năm còn khó hơn bóng đá nữ bây giờ, còn mới mẻ với người Việt Nam hơn bóng đá nữ bây giờ, nhưng futsal đang dần có lối ra. Nói thế để thấy rằng bóng đá nữ không phải không có đường để phát triển, để gia nhập trình độ châu lục, nếu có lộ trình đúng.

 

Theo Dân trí

.