Cho đến thời điểm hiện tại, phần đa các phim truyền hình Việt vẫn phải thực hiện khâu lồng tiếng trước khi công chiếu. Đây là một “sự tụt hậu” khó tưởng đối với nhiều chuyên gia phim ảnh nước ngoài. Điều đáng nói là khâu lồng tiếng của phim Việt vẫn đang rất nghiệp dư.

Việt Nam vẫn làm phim hết sức nghiệp dư

Trong buổi ra mắt phim “Hợp đồng hôn nhân” mới đây, khi đề cập đến chuyện lồng tiếng cho phim truyền hình, NSND Khải Hưng đã thẳng thắn chia sẻ rằng, cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn làm phim hết sức nghiệp dư.

“Chẳng có nước nào trên thế giới này còn làm phim kiểu lồng tiếng nữa cả nhưng chúng ta vẫn phải làm vì chúng ta làm gì có trường quay. Chúng ta chưa có một trường quay giống như trường quay ở Hoành Điếm, ở Thượng Hải, ở Hollywood... để có thể có một môi trường âm thanh tốt mà thu tiếng trực tiếp từ diễn viên khi quay phim. Cái câu “Chúng ta không có trường quay” là câu tôi nói thường xuyên trong các hội nghị của Đài Truyền hình Việt Nam cách đây 30 năm chứ không phải bây giờ mới nói”, NSND Khải Hưng nói.

 

 NSND Khải Hưng cho rằng, Việt Nam vẫn làm phim hết sức nghiệp dư. Ảnh: ĐLP.
NSND Khải Hưng cho rằng, Việt Nam vẫn làm phim hết sức nghiệp dư. Ảnh: ĐLP.


Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên có một đạo diễn Việt đề cập đến vấn đề này với báo chí. Cách đây không lâu, trong Hội thảo Nâng cao chất lượng phim truyền hình diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình đầu tiên tại Việt Nam, sau khi trao đổi về tình hình làm phim ở nước mình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC có chia sẻ rằng, một trong những cố gắng của trong việc nâng cao chất lượng phim truyền hình cũng như giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm thời gian chính là cố gắng sắp tới các phim đều tiến hành thu hình và tiếng trực tiếp.

Thông tin này khiến nhà làm phim Chee Kong Cheah - Giám đốc bộ phận sáng tạo của Group Entertainment tại Singapore, bà Janine Stein - TBT Tạp chí ContentAsia Singapore và ông Mohd Mahyidin Mustakim - Giám đốc điều hành Hiệp hội sáng tạo nội dung Malaysia (FINAS) tỏ ra đầy kinh ngạc. Cả 3 vị khách nước ngoài đều không thể tưởng tượng được rằng, đến giờ Việt Nam vẫn làm phim truyền hình kiểu lồng tiếng.

Ông Mohd Mahyidin Mustakim nói rằng, trước đây Malaysia cũng chủ yếu tiến hành lồng tiếng cho phim nhưng đã 12 năm nay hình thức này đã hoàn toàn biến mất khỏi đời sống làm phim của quốc gia này.

 

Gió qua miền tối sáng, một trong những bộ phim đầu tiên của Việt Nam tiến hành thu tiếng trực tiếp. Ảnh: TL.
Gió qua miền tối sáng, một trong những bộ phim đầu tiên của Việt Nam tiến hành thu tiếng trực tiếp. Ảnh: TL.


Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc "phải có khâu lồng tiếng mới có phim" của Việt Nam gần như đã lỗi thời bởi trên thế giới đã bỏ qua khâu này hàng chục năm nay. Theo các chuyên gia, nếu muốn đẩy mạnh sự phát triển của công nghệ sản xuất phim truyền hình, các nhà sản xuất buộc phải đầu tư xây dựng trang thiết bị và học hỏi công nghệ làm phim của các nước tiên tiến trên thế giới.

Lồng tiếng phim Việt vẫn chỉ là sự chắp vá?

NSND Khải Hưng cho rằng, bài toán đặt ra là bây giờ trên truyền hình VTV ở cả VTV1 và VTV3 có rất nhiều phim được phát sóng mà nghệ sĩ lồng tiếng lại không nhiều. Theo đạo diễn phim “Mẹ chồng tôi” thì thị trường lồng tiếng phim Việt ở miền Bắc hiện nay chỉ có 5 kíp lồng tiếng với khoảng 40 diễn viên lồng tiếng. Con số đó ở miền Nam cũng chỉ nhỉnh hơn một chút chứ không nhiều hơn. Vì quá ít ỏi về số lượng diễn viên lồng tiếng nên không tránh được việc các diễn viên đã lồng phim này rồi lại lồng phim khác.

“Vừa mở VTV1 ra thấy NSND Lan Hương lồng tiếng vai Chủ tịch Tỉnh rồi bật VTV3 ra lại tiếp tục nghe tiếng của chị Lan Hương vào vai một bà bán cá. Đôi khi chúng ta lẫn từ phim nọ sang phim kia cũng bởi nhân vật lồng tiếng. Đó là một thiệt thòi lớn đối với những người làm phim”, NSND Khải Hưng nói.

Còn nhớ, năm 1996, khi bộ phim “Gió qua miền tối sáng” công chiếu đã tạo ra ý kiến trái chiều bởi đây là bộ phim đầu tiên tiến hành thu tiếng trực tiếp. Khán giả vẫn chưa quen với kiểu tiếng một đường hình một nẻo của bộ phim.

 

Cô gái xấu xí một bộ phim sitcom được lấy hình và tiếng trực tiếp tại trường quay nhưng vẫn chưa đủ sức tạo ấn tượng đối với khán giả. Ảnh: TL.
Cô gái xấu xí một bộ phim sitcom được lấy hình và tiếng trực tiếp tại trường quay nhưng vẫn chưa đủ sức tạo ấn tượng đối với khán giả. Ảnh: TL.


Những bộ phim truyền hình gần đây như: “Cầu vồng tình yêu”, “Cô gái xấu xí”, “Nhật ký Vàng Anh”, “Bộ tứ 10A8”, “Những người độc thân vui vẻ”, “Dù gió có thổi”, “Camera công sở”, “5S Online”... đều tiến hành thu tiếng trực tiếp nhưng vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp.

NSND Khải Hưng nhìn nhận rằng, dù gần đây đã có một số bộ phim truyền hình Việt cho thu tiếng trực tiếp tại trường quay nhưng theo ông đó là sự chắp vá bởi vì khi gắn mic vào cổ áo diễn viên để thu tiếng thì chỉ thu được tiếng người nói mà bị mất đi tiếng của bối cảnh nhân vật đang sống. Đó là lý do phần đa các bộ phim truyền hình Việt hiện nay vẫn đang phải thực hiện khâu lồng tiếng trước khi đưa ra công chiếu.

Thêm vào đó, việc thu hình và tiếng trực tiếp không được nhiều nhà làm phim lựa chọn, các diễn viên nghiệp dư thì lại càng sợ hơn. Bởi chỉ có các diễn viên có khẩu hình tốt mới thích hợp với những phim dạng này. Thêm nữa, việc này còn đòi hỏi các diễn viên trước khi vào quay phải học thuộc thoại, thực sự nhập tâm và nhập vai để vai diễn không bị lố. Đặc biệt, với những cảnh đòi hỏi phải diễn xuất nội tâm hoặc gào khóc khi thoại trực tiếp thì thực sự là thách thức với diễn viên. Việc thu hình và tiếng trực tiếp cũng đặt các đạo diễn vào tình huống khó khăn hơn bởi khó mà tiến hành lồng tiếng riêng cho mỗi cảnh quay có lỗi.

NSND Lan Hương cũng cho rằng, lồng tiếng là khâu không thể không có trong điều kiện làm phim hiện nay của Việt Nam. Cá nhân chị có hơn 30 năm trong nghề lồng tiếng nhưng vẫn thích phim thu đồng bộ hơn. Nó mang sắc thái của người diễn viên từ những tiếng thở, tiếng động nhẹ hay mạnh, những sắc thái tinh tế vô cùng.

“Bản thân tôi khi lồng tiếng vai do chính mình đóng cũng thấy rằng chỉ chuyển tải được 80%. Tuy nhiên, để thu đồng bộ thì cần có trường quay hiện đại, bối cảnh yên tĩnh thì tiếng thu mới hiệu quả. Công nghệ này thế giới có rất lâu rồi nhưng Việt Nam gần đây mới bắt đầu có. Trong điều kiện chưa thể thu đồng bộ hoàn toàn thì bắt buộc vẫn phải cần đến lồng tiếng".


Thực tế, theo đạo diễn Đặng Thái Huyền thì việc thu hình và tiếng trực tiếp là công nghệ làm phim của nhiều nước phát triển trên thế giới nhiều năm nay. Điều này giúp các nhà làm phim tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực. Bên cạnh đó, khán giả cũng có cơ hội được nghe giọng nói thật của tất cả các diễn viên tham gia bộ phim. Điều này sẽ tránh được việc người xem phải nghe đi nghe lại một giọng nói từ một bộ phim hoặc nhiều bộ phim khiến cho họ không có dấu ấn gì với nhân vật.

“Cha đẻ” của “Gặp nhau cuối tuần” bật mí rằng, từ bài học về thị trường lồng tiếng phim nên khi tiến hành khâu lồng tiếng cho phim “Hợp đồng hôn nhân” dài 35 tập, dù không casting diễn viên đóng phim nhưng ông lại casting diễn viên lồng tiếng. Theo ông, vì không biết lịch chiếu trên VTV như thế nào nên để phim không trùng với các phim khác ở khâu lồng tiếng ông buộc phải chọn diễn viên. Và quan điểm của ông là phải chọn giọng nói phù hợp với nhân vật chứ không phải vì ít diễn viên lồng tiếng nên cứ “quơ đại” cho xong.

 

Theo Dân trí

.