Chưa ai giải thích rõ duyên cớ nào, từ khi nào mà giới nghệ sĩ Sài Gòn (cả diễn viên điện ảnh, sân khấu, cải lương...) sau thời gian chói sáng trên bầu trời nghệ thuật, khi sự nghiệp đã qua bên kia sườn dốc cuộc đời, thường tìm đến cửa Phật hoặc tu tại gia.
Có thể kể những nghệ sĩ bậc thầy thế hệ trước như cố NSND Phùng Há, Kim Cương, Minh Cảnh, Bạch Tuyết… đã chọn con đường tu thiền, ăn chay trường, làm việc từ thiện xã hội sau thời gian chói sáng trên sân khấu. Thẩm Thúy Hằng cũng không ngoại lệ, bà chọn cách tu tại gia, một lòng hướng về cõi Phật.
Sự nhiệm màu của Phật pháp
Tháng 4.2003, trước ngày Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh qua đời khoảng 4 tháng, tại nhà riêng ở Bình Qưới, Thanh Đa (TPHCM), Thẩm Thúy Hằng đã mời một đạo sư tới thuyết pháp cho chồng. Khi đạo sư đến nơi, Tiến sĩ Oánh đã thay trang phục chỉnh tề, thắt cravat nghiêm túc theo tác phong thường ngày của ông. Thẩm Thúy Hằng ngồi bên cạnh phu quân nói khá nhiều về chuyện hiện thức với vô thường. Sau nhiều năm ngẫm nghiền kinh Phật và giáo lý, Thẩm Thúy Hằng đã trở thành một đệ tử rất uyên bác, thẩm thấu nhiều về Phật pháp. Tuy nhiên, bà vẫn mời đạo sư tới thuyết giáo cho chồng. Tiến sĩ Oánh là sinh viên giỏi nhất Đại học Harvard Hoa Kỳ, rồi đi theo con đường kinh tế, chính trị, ông không có cơ hội tiếp xúc với giáo lý nhà Phật. Trước khi về với thế giới người hiền, ông đồng ý để cho vợ mình là Thẩm Thúy Hằng giúp ông đến với Phật pháp.
Ngồi trên xe lăn, Tiến sĩ Oánh đã chăm chú lắng nghe vị đạo sư thuyết giảng Phật pháp, giúp ông siêu thoát phần con người của xã hội, nhẹ nhàng tách ra khỏi thực tại để nhẹ nhõm, thanh thản trong lòng khi tuổi tác già nua và bệnh tật đang gặm nhấm ông từng ngày. Pháp giải thoát rất đơn giản, rằng bao nhiêu kiến thức cao rộng có giúp gì cho con người khi tàn hơi, kiệt sức? Rằng con người đã sống bao nhiêu năm liệu có bao giờ nhận ra mình là ai chưa? Nhà Phật khuyên con người khi đã như thế, những ngày cuối đời hãy tạm gạt bỏ những gì tồn tại xem nó như một bí ẩn chưa trả lời, thả tâm hồn trôi lạc về cõi bí ẩn ấy với một đầu óc thanh thản, không khái niệm, không hiểu biết, vô tri, vô thường…
Sau bài thuyết pháp của vị đạo sư hôm ấy, Tiến sĩ Oánh cười tươi cho biết ông cảm thấy vô cùng thanh thản… Chỉ đợi có vậy, Thẩm Thúy Hằng mừng vui bật khóc. Vị đạo sư Duy Tuệ đeo vào cổ Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oanh một tượng Phật bằng vàng, đeo vào tay chuỗi tràng hạt... Sau đó 4 tháng, vào ngày 29.8.2003, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã nhẹ nhàng đi vào cõi vĩnh hằng với sắc diện rất thanh thản. Nhờ tấm lòng và sự am hiểu về Phật pháp của phu nhân Thẩm Thúy Hằng mà Tiến sĩ Oánh đã có những tháng cuối đời ngộ đạo như một Phật tử hằng bao nhiêu năm nghiên cứu tu hành.
Con đường đến với cửa Phật
Thẩm Thúy Hằng chọn cho mình cõi Phật là duyên số và cũng là định mệnh cuộc đời. Ngay từ khi chọn nghệ danh Thẩm Thúy Hằng, cô gái tên Kim Phụng như đã có tâm hướng về Phật. Chữ Hằng là tên con sông Hằng bên Ấn Độ, là dòng sông gội rửa mọi tội lỗi, đưa con người về với cõi vĩnh hằng, về với cõi Phật từ bi. Khi vẫn còn chói sáng trên màn ảnh và sân khấu, Người đẹp Bình Dương đã dành nhiều thời gian nghiên cứu Phật pháp và trở thành Phật tử trung thành từ mấy chục năm qua.
Nhiều người nương nhờ cửa Phật, xuất gia tu hành để quên đi chuyện tình tan vỡ, buồn đau, bất mãn sự đời. Còn đối với một nghệ sĩ nổi tiếng như Thẩm Thúy Hằng, việc tu hành là một pháp giải thoát, một nơi gửi thân ẩn náu, trốn tránh người đời và sự đời, tìm vui trong lời kinh tiếng kệ, mõ sớm chuông chiều, để phôi pha đi những nỗi buồn, hoài tiếc một thời trẻ trung, nhan sắc huy hoàng.
Thẩm Thúy Hằng giã từ những hào quang của cuộc đời không chút dễ dàng. Bẵng đi một thời gian, khoảng năm 2006 bà bất ngờ trở lại sân khấu với hai kịch bản viết về tình yêu, hạnh phúc. Nhiều người cho rằng là do nghiệp duyên với cuộc đời của bà chưa dứt. Nhưng thật ra, nếu để ý kỹ, những tác phẩm mà bà mang từ cõi Phật lên sân khấu mang thông điệp rất rõ ràng, đầy tính nhân văn nhà Phật. Nhiều năm tu tại gia, làm tu sĩ, phật tử nhưng nghĩa vụ gia đình, vương vấn tình bằng hữu và nghiệp đời làm sao Thẩm Thúy Hằng dứt bỏ hồng trần. Nhưng bà trở lại sân khấu lần ấy từ sự thanh thản của một phật tử đã ngộ đầy đủ Phật pháp.
Đức Phật chỉ dạy rằng: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh". Nghĩa là tất cả mọi chúng sanh ai ai cũng có Phật Tánh, còn gọi là tánh giác ngộ. Đó là tánh sáng suốt hoàn toàn tuyệt đối. Dù là kẻ ngu hay người trí cũng đều có Phật Tánh như nhau. Chỉ tại sự mê ngộ chẳng giống nhau, chẳng đồng đều, cho nên thế gian mới có kẻ ngu, người trí. Người ngộ được Phật Tánh sẽ thấy cảnh trần càng đẹp, càng thuần. Phật Tánh hay tánh giác ngộ chỉ hiện ra khi tâm phiền não không còn, cũng như khi mây đen tan biến hết thì mặt trăng sáng hiện ra vậy. Tất cả mọi chúng sanh ai ai cũng sẽ trở thành một vị Phật, nếu biết tu tâm dưỡng tánh theo đúng Chánh Pháp. Không cần phải qua tận Tây Trúc, Ấn Độ để tìm Phật. Cũng không cần phải vào tận chốn rừng sâu, hay trèo non lội suối, cũng không cần phải làm những chuyện thay đổi hình tướng, không cần phải làm những chuyện dị hình dị tướng, không cần làm những chuyện khác thường khác đời gì cả. Thẩm Thúy Hằng đã đến với cửa Phật bằng con đường huyền diệu ấy.
Còn mãi một Người đẹp Bình Dương
Khi thấy Người đẹp Bình Dương gặt hái hết thành công này đến thành công khác, ở nhiều lĩnh vực, nhiều người cho rằng cuộc đời quá nhiều ưu ái cho bà. Thực ra, để khẳng định được tên tuổi của mình ở chốn Sài thành đầy sự bon chen, ngoài một chút may mắn ban đầu, bà đã trải qua cả một đời lao động nghệ thuật cần mẫn, khổ luyện. Sự sáng tạo và lao động cật lực của Thẩm Thúy Hằng là một tấm gương để những người làm nghệ thuật ngưỡng mộ.
Một nghệ sĩ cùng thời với Thẩm Thúy Hằng đã tâm sự: “Tôi là một trong hàng vạn tín đồ yêu đơn phương Thẩm Thúy Hằng như yêu một Nữ hoàng nhan sắc. Nhưng với tôi, tình yêu còn là sự nể phục đến kính trọng tấm gương tài năng, nhan sắc và lao động nghiêm túc, hết mình vì nghệ thuật, vì khán giả”. Theo ông, việc Thẩm Thúy Hằng tu hành, ăn chay trường, lánh xa chốn ồn ào là lẽ thường của một tên tuổi lừng danh như bà. Khi thời nhan sắc không còn, đã héo úa, phai tàn, bà rút vào im lặng, tịnh tâm bỏ mặc người đời hoài tiếc và nhớ mãi những gì đã có.
Đối với một nghệ sĩ nổi tiếng như Thẩm Thúy Hằng, việc nhờ thẩm mỹ giúp lưu giữ nhan sắc là không thể tránh khỏi. Ai cũng muốn mình trẻ trung, xinh đẹp vĩnh viễn trong lòng người ái mộ. Chỉ tại góc nhìn hẹp, không quen của quan niệm về thẩm mỹ, sắc đẹp người Á Đông và người Việt chúng ta. Từng có lúc tại Sài Gòn vào thập niên 1960, người đời đã so sánh Thẩm Thúy Hằng ngang với những minh tinh Châu Á và thế giới. Việc về cuối đời bà phải gánh chịu hậu quả của những lần “dao kéo” thời còn trẻ cũng là lẽ thường tình, theo triết lý nhà Phật. Mai này bà có đi sum hợp với chồng ở thế giới vĩnh hằng, hẳn người đời sau không ai nhớ tới khuôn mặt xấu xí của bà khi về già, mà mãi mãi còn đọng lại trong lòng người hâm mộ nghệ thuật một Người đẹp Bình Dương bất hủ theo thời gian!
Theo Lao Động