Hỏi thăm về Ngô Văn Phương ở khóm 3, thị trấn Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, có khi người dân ở đây không biết. Họ quen với cái tên Cành Nông của ông nhiều hơn. Đó là nhà khạp mái dầm duy nhất có mắm rươi (ragworm) đóng chai.

 


Tên Cành Nông là do cha ông nhơn cái sự tích cành nông nổ nhiều, nổ lung tung vào tết Mậu Thân khi ông sanh ra, mới đặt cho ông như thế cho dễ nhớ.

“Lâu nay dân ở đây làm mắm rươi chỉ để tặng cho bà con. Tôi thấy rươi nhiều, bỏ nghề nuôi tôm, sang làm mắm rươi bán bốn năm nay”, ông Cành Nông cho biết.

Nhưng nói rươi nhiều cũng không có nghĩa như xưa ta thường nói trộm cắp như rươi. Bây giờ mà dùng thành ngữ này, ắt phải hiểu ngược lại là trộm cắp hiếm hoi, và các chú công an chỉ chờ lãnh thưởng. Nhiều người già lại hom hem nhớ đến thời thạnh trị của rơi ngoài đường không ai lượm kể cả công nhân vệ sinh thuở đức Khổng đã xa mịt mù.

Rươi ngoài Bắc giá lên đến 350.000 đồng/kg, theo thông tin từ một người dân Hà Nội vào giữa tháng 11, chứng tỏ chúng đã quá ư khan hiếm. Và vì vậy, khi ông Cành Nông mang mắm rươi của mình ra chào hàng ở ngoải, nhiều người cười ông, vì rươi mắc như vậy, làm mắm bán ai mua ăn cho nổi.

Nhưng không. Cũng là rươi, nhưng rươi miệt ngoải to con, dài cả nửa gang tay. Còn rươi ở ven biển miền Tây, nơi những vùng bãi bồi nước lợ, thân chỉ bằng que diêm, dài độ tấc rưỡi đổ lại. Và bây giờ nhiều nhất cũng chỉ có thị trấn Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Sản lượng cả năm độ chừng 100 tấn. Rươi miệt ngoải nổi tiếng với món chả, rươi ở miền Tây mà làm chả kiểu ngoải là không xong, vì thân nó nước nhiều, không phết với bột không thành chả nổi cũng kiểu như nhơn bất học bất thành nhơn.

Rươi trong Nam tháng nào cũng có, nhưng rộ nhất là từ tháng 10 đến tháng chạp âm lịch, vào lúc nước rong. Rộ nhưng đã không còn cảnh Dù ai buôn bán trăm nghề/ Ba mươi tháng chạp nhớ về vớt rươi. Bây giờ ở đây đất đã có ngằn, đã thành vuông nuôi tôm. Rươi trừng lên ở vuông ai nấy vớt hoặc không vớt để làm thức ăn cho tôm. Đời rươi kể cũng đã, sung sướng một lần bên nhau rồi thành mắm sau đó chín tháng, khi đã kịp để lại cho đời lứa rươi hậu duệ mai sau.

Duyên Hải rươi được bán tính theo đôi, mỗi đôi 40 lít giá 130.000 đồng. Rươi không nhiều, hên thì có người vớt được một ngày một đôi, ông Cành Nông kể.

Với cái giá này, thì nước mắm rươi mới có cái lý tồn tại của nó. Và vì không đâu còn nhiều rươi để làm mắm thương phẩm nên Trà Vinh cũng chỉ có một mình nhà mái dầm Cành Nông có mắm đóng chai. Gọi là nhà mái dầm vì ở xứ này người ta chỉ muối mắm trong mấy cái khạp sành chứa được chừng 4 – 5 đôi rươi gọi là mái dầm. Chứ không ai làm mắm bằng thùng to như miệt biển để gọi là nhà thùng.

Sau nhiều lần thử và sai, ông Cành Nông rút ra được công thức là nước mắm rươi lên màu đẹp nhất khi ủ được 9, 10 tháng – đó là thời gian thanh trùng và đóng chai. Lúc này chỉ việc vớt xác rươi nổi ở trên miệng mái dầm ra bán làm thức ăn cho tôm, còn lại bên dưới là nước mắm màu cánh gián thật đẹp. Sắc là vậy nhưng hương mắm rươi là thứ hư rữa không sang cả như hương cá cơm, không thơm bằng.

Nhưng với sản lượng 30.000 lít/năm, ông Cành Nông chật vật không xây dựng đủ lớn, đủ phì đại cái thương hiệu nước mắm Phong Vinh của mình.

Nước mắm rươi 25 độ đạm của Trà Vinh đem kho quẹt với cá kèo, tóp mỡ, chấm với rau tập tàng ăn cơm thì không còn gì ngon hơn nữa. Bữa cơm hôm ấy được ông Cành Nông đãi món mắm rươi chấm thịt ba rọi và mắm rươi kho quẹt cá kèo. Món trước không đã vì thịt hôm ấy nhè trúng thịt siêu nạc tìm đỏ con mắt không thấy chút mỡ. Món sau thiệt ngon tuy rằng rau chẳng lấy gì làm tập tàng cho lắm (chỉ có một hai thứ rau) mà mắm kho chưa đạt tới độ quẹt. Nhưng vẫn ngon.

Thiệt cảm cái tình anh bán mắm Cành Nông.


Theo SGTT

.