Giáo sư Philip Kotler, cha đẻ của lý thuyết marketing hiện đại đã từng nhắc: “Tại sao Việt Nam không trở thành bếp ăn của thế giới?”. Khuyến nghị này khiến các chuyên gia, những người làm du lịch, các địa phương có ẩm thực đặc sắc và những người nắm giữ văn hóa ẩm thực phải suy ngẫm.  

leftcenterrightdel
 Ăn phở sáng là một trong những thói quen hàng ngày của người dân Thủ đô.

Di sản ẩm thực - tiềm năng của du lịch

Từ hàng trăm năm nay, Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa, trong đó ẩm thực là một trong những loại hình được kế thừa, phát triển đạt đến độ tinh hoa. Nhắc đến ẩm thực Hà Nội là nhắc đến những món ăn mang tính đặc trưng, tạo nên thương hiệu ẩm thực Thủ đô như: Nem, phở, cốm làng Vòng, chả cá, bún ốc, bánh tôm hồ Tây, bánh cuốn Thanh Trì, xôi Phú Thượng, bánh dày Quán Gánh… Đặc biệt, khu vực phố cổ Hà Nội vẫn còn lưu giữ những nếp sành ăn, sành mặc của người Hà Nội xưa, với vô vàn món ngon, luôn được khách du lịch tìm đến thưởng thức.

Nhiều món ăn được các trang du lịch nước ngoài vinh danh, đưa vào cẩm nang du lịch cho du khách khi đến Hà Nội. Trong đó, trang du lịch nổi tiếng Tripadvisor công bố bình chọn Hà Nội là một trong 25 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2022. Trong năm 2023, ba nhà hàng của Hà Nội được gắn 1 sao Michelin (Giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới), 45 nhà hàng khác được vinh danh và một giải thưởng dành cho đầu bếp trẻ xuất sắc tại sự kiện Michelin Guide Ceremony diễn ra hồi tháng 6 tại Hà Nội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, chúng ta có di sản lớn, đồng thời là tài sản lớn về văn hóa ẩm thực, điều đó rất có ý nghĩa, nhất là trong thế giới phát triển du lịch mạnh mẽ như hiện nay. Món phở chinh phục được thế giới bởi nó tích hợp giá trị lịch sử của văn minh lúa nước là gạo, súp bò của Tây và nước mắm là văn hóa của Đông Nam Á. Phở ở Nam Định mang một khẩu vị khác nhưng ở Hà Nội phát triển thành khẩu vị mới. Hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa lý có thể tích hợp nhiều yếu tố làm cho ẩm thực biến đổi. Bởi vậy, ẩm thực là di sản, là nghệ thuật nên cần phải đa dạng hóa, mới khai thác được tối đa tiềm năng tài sản đó.

Thực tế, ẩm thực luôn là dư vị hấp dẫn khách du lịch và là một phần không thể thiếu cho mỗi hành trình khám phá văn hóa, lịch sử tại điểm đến của du khách. Tuy nhiên, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, việc khai thác ẩm thực thành tour du lịch mang tính chuyên nghiệp, bài bản chưa thực sự được đầu tư. Khu vực phía Bắc có Hải Phòng bước đầu hình thành nên sản phẩm Food Tour (du lịch ẩm thực) gói gọn trong một ngày, nhận được sự quan tâm của du khách, trong đó có đông khách Hà Nội. Còn tại Hà Nội, ngành Du lịch Thủ đô đang xây dựng kế hoạch khai thác ẩm thực thành tour du lịch thu hút khách.

Nâng tầm giá trị để thu hút du khách

Theo định hướng phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, sản phẩm dịch vụ ẩm thực sẽ được phát triển đa dạng, tập trung vào các loại hình mang tính chất độc đáo như phố ẩm thực đêm, làng nghề ẩm thực... bên cạnh hệ thống các nhà hàng, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.

Sở Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ Food Tour để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội. Đồng thời, phổ biến kiến thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng giao tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch để nâng cao hình ảnh, chất lượng của du lịch Thủ đô.

Thành phố tổ chức nhiều hoạt động khai thác, quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt” diễn ra thường niên, quy tụ các hội nghề nghiệp, nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở ẩm thực, giới thiệu các món ngon Hà Nội và cả nước. Nhiều ấn tượng thông qua câu chuyện ẩm thực, chương trình xây dựng nét đẹp về món ăn Hà Nội đặc trưng và thể hiện giá trị ẩm thực Việt. Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội diễn ra thường niên đã tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch. Sự kiện là cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc tới du khách trong và ngoài nước.

Hiện tại, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”, trong đó xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam”, “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”. Các sản phẩm của đề án sẽ góp phần tạo bước đệm đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới, thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia. Khi đó, ẩm thực Hà Nội cũng như các địa phương khác trên cả nước sẽ được nhiều bạn bè quốc tế biết tới.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khai thác giá trị các lĩnh vực khác để xây dựng thành sản phẩm phục vụ khách, trong đó có văn hóa. Văn hóa ẩm thực được khai thác để nâng tầm giá trị sẽ thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút khách đến với Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Văn hóa ẩm thực là dư địa nhiều tiềm năng ở Hà Nội cho phát triển du lịch. Tuy vậy, việc xây dựng thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, mang dấu ấn Hà Nội không chỉ dừng lại ở kế hoạch, chủ trương mà quan trọng cần sự đầu tư bài bản, đúng tầm, sự vào cuộc của không chỉ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lữ hành mà cả chính bản thân người dân.

Theo TTXVN/Báo Tin tức