1. Bánh chưng

 Nhắc đến cỗ Tết miền Bắc phải kể đến bánh chưng, thứ bánh truyền thống được truyền lại từ đời các vua Hùng. Nằm chiếm vị trí trang trọng trong mâm cỗ, chiếc bánh chưng nhà làm nhiều thịt nhiều đậu, thơm mùi lá mùi nếp, xanh màu diệp lục của lá dong được xắt thành 8 miếng đều đặn bằng chính sợi lạt buộc bánh tước nhỏ.

leftcenterrightdel
 

Tết hiện đại no đủ, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng “phàn nàn”: “Sợ bánh chưng quá rồi”. Nhưng nói là nói thế, chứ cỗ Tết là không được phép thiếu bánh chưng, thế nên cứ lúc bày mâm là lại nghe tiếng các mẹ các chị lại rộn ràng, gọi bảo người nhà “bóc cái bánh chưng đi”.

Bánh chưng vuông vức, thơm mùi nếp mùi đỗ. Người bóc bánh khéo chẳng ai dùng dao vì sẽ gây dính mà sẽ dùng ngay dây lạt buộc bánh tước nhỏ, xắt bánh thành tám miếng đều đặn.

2. Canh măng

Bát canh măng nóng hổi với những miếng măng khô làm kĩ, luộc đi luộc lại từ hôm trước nấu với móng giò hay sườn ngon. Lúc bê mâm, trên bát canh măng bao giờ cũng rắc lên trên mấy củ hành chần xanh xanh đẹp mắt.

leftcenterrightdel
 

Nhớ lại trong mâm cỗ, múc bát canh măng bao giờ măng cũng hết trước sườn hay móng giò. Có nhà kia nghe tiếng em bé phụng phịu “Phải ăn canh măng mấy ngày liền”, trong khi người mẹ vẫn dịu dàng giải thích: “Tết mà, tết là phải có canh măng chứ”.

3. Nem rán

Nem rán không chỉ dễ làm mà còn dễ ăn. Ngày Tết vui nhất là ngồi bên chậu nhân nem, trộn trộn rồi cuốn cuốn. Nem ngon một phần cũng phải kể đến nước chấm nem. Chấm miếng nem nóng giòn vào bát nước mắm chua ngọt khiến vị ngon càng thêm đưa đẩy.

leftcenterrightdel
 

Nem rán còn là món ăn trẻ em rất thích. Còn nhớ cảnh bé em chầu chực bên chảo rán nem của mẹ, nhìn những cái nem giòn tan vàng nâu gắp ra đĩa thèm thuồng và cố bấm bụng “chờ cúng cụ xong” như lời mẹ dặn. 
Nói thế nhưng sắp mâm xong, thể nào mẹ cũng dấm dúi xe mẩu giấy báo bọc một chiếc nem cho khỏi nóng rồi đưa cho con.

4. Thịt đông

Người ta bảo, mâm cỗ Tết, nhìn đĩa thịt đông là biết chủ nhà khéo đến đâu. Sở dĩ nói vậy bởi thịt đông là một món rất cầu kì, dễ mà khó. Nấu một nồi thịt đông thì dễ, nhưng để nấu ngon, để bát thịt đông úp ra vừa đông đủ, phần nhựa trong suốt như pha lê không chảy nhão thì lại không phải dễ.

leftcenterrightdel
 

Đĩa thịt đông trông như viên ngọc nhỏ trên mâm cỗ Tết, trong thời tiết se lạnh, sắn một miếng thịt thật khéo để phần nhựa không rơi mất rồi ăn kèm cơm nóng mới tuyệt làm sao.

5. Giò xào

Cỗ Tết là dịp các loại giò khoe sắc, nào giò lụa hồng hào, giò bò nâu óng, đến giò tai, giò mỡ óng ả nhưng không thể bỏ sót món giò xào, món giò đặc biệt nhất vì thường có bốn cạnh vuông vức do được ép bằng các thanh tre.

leftcenterrightdel
 

Làm từ thịt thủ, tai mũi lợn, mộc nhĩ nấm hương đem xào rồi ép chặt, miếng giò trông ngon thì mắt ăn mà ăn thì ngon miệng. Vị giòn sần sật của tai mũi lợn cũng mùi thơm của nấm hương của mộc nhĩ đã tạo nên một món ăn ngon tuyệt ngày Tết.

6. Thịt gà luộc


Trên mâm cỗ cúng trong mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết của người Việt, thịt gà luộc là thứ không thể thiếu. Nhiều gia đình ở quê nuôi gà, vỗ béo cả năm để đến dịp Tết có gà ngon cho cả nhà. Ở thành phố không thể nuôi gà, các bà nội trợ cũng phải cố gắng tìm mọi cách mua hay đặt những con gà ngon nhất cho dịp Tết. Thịt gà luộc tuy là món ăn đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn bởi vị ngọt tự nhiên của gà, kết hợp cùng lá chanh tạo nên cái hương vị riêng thật khó quên.

leftcenterrightdel
 

7. Xào thập cẩm

Khi đã lưng lửng dạ với các món nhậu, bạn sẽ cần một bát cơm để kết thúc bữa ăn; và món xào thập cẩm đóng vai trò quan trọng để dùng với cơm trong bữa cỗ ngày Tết; không chỉ vậy nó còn làm bàn tiệc đẹp mắt hơn với đủ các sắc màu bắt mắt và giúp bạn bổ sung lượng chất xơ cũng như vitamin cần thiết trong ngày. 

leftcenterrightdel
 

8. Dưa hành

Nếu ngày xưa cứ gần Tết là các bà các mẹ lại lục đục ra chợ mua về hàng cân hành ngồi tỉ mẩn bóc vỏ đem muối, vài ngày lại bỏ ra kiểm tra xem hành ăn được chưa hay còn hăng không thì bây giờ cơ chế gọn nhẹ, giản tiện hơn, hành muối được bán sẵn theo lọ cho chị em sắm Tết nhanh gọn.

leftcenterrightdel
 

 
Tuy nhiên dù xưa hay nay thì hành muối chưa bao giờ là món ăn có thể vắng mặt trên mâm cỗ Tết. Một bát hành nhỏ nơi góc mâm, những củ hành trắng muốt, đã hết mùi hăng chỉ còn một mùi chua nhẹ kích thích vị giác, ăn kèm với bánh chưng giải ngấy luôn là món ăn đắt hàng dịp Tết.


Tuệ Anh(T/h)