Mang theo nghề truyền thống từ quê hương làng Xuân Hòa (Bắc Ninh) vào lập nghiệp ở thôn Xuân Thượng - xã Lạc Lâm (Đơn Dương), người dân gốc Kinh Bắc vẫn lưu luyến nghề cũ và tiếp tục phát triển thành một làng nghề tuy vất vả nhưng là thu nhập chính của nhiều gia đình, là niềm tự hào về thương hiệu bánh tráng Lạc Lâm.
Ông Nguyễn Văn Tước, 57 tuổi, một cựu chiến binh của thôn Xuân Thượng đang phơi bánh tráng trước nhà cởi mở trò chuyện với chúng tôi. Niềm tự hào của vợ chồng ông là 20 năm làm nghề bánh tráng, nuôi 9 người con, trong đó có 6 người con đều học đại học ở Tp.HCM và 1 người con học ở Đà Lạt, tất cả đều ra trường có cuộc sống mới nhưng vẫn không thể nào quên mùi vị bánh tráng Lạc Lâm. Ông Tước nói rằng: “Ông trời ưu đãi nên ai cũng đổ xô mua bánh tráng Lạc Lâm, chúng tôi làm nghề tráng bánh và bán ra thị trường không có lấy nhãn hiệu gì cả, vì làm không kịp bán nên đâu nghĩ đến thương hiệu làm gì! Nguyên liệu có sẵn: gạo ngâm xay thành bột, pha một chút mì cho bánh dẻo, cho thêm mè đen hoặc mè trắng hoặc muối, ớt xay, mỡ hành, đường, dừa… và không có chất phụ gia”.
Mỗi ngày gia đình ông Tước thu nhập từ bánh tráng khoảng 200 ngàn đồng mà công việc thì tất bật cả ngày. Buổi chiều đã xay gạo, lắng một đêm đến 3 giờ sáng đã ngồi lò đỏ lửa tráng bánh. Niềm mong ngóng của ông Tước cũng như bà con ở làng nghề bánh tráng Xuân Thượng là mong cả ngày trời nắng đẹp để phơi bánh đạt chất lượng tốt nhất. Ông Tước cho biết: Chỉ cần nắng đẹp phơi 2 giờ là bánh khô, nhưng trời mưa thì cứ phải mang ra mang vào, có khi phơi bánh không đạt phải vứt bỏ cho heo ăn. Nghề này vất vả là thế!
Hồi ức về nghề bánh tráng vẫn còn in đậm trong lòng ông Nguyễn Trúc Hân, 61 tuổi đã “giải nghệ” nhưng niềm tự hào vẫn lấp lánh trong ánh mắt và giọng nói của ông: Lúc 1 tuổi, năm 1954 tôi theo bố mẹ vào đây lập nghiệp. Bà con di cư vào vẫn giữ nghề bánh tráng của cha ông như nhớ về quê quán. Cả nhà tráng, phơi, đóng bánh và bà ngoại đưa đi chợ bán tận Di Linh (Đà Lạt). Nghề tráng bánh đã nuôi sống được cả gia đình, đó niềm tự hào về ông cha truyền nghề cho con cháu nên con dâu cũng theo nghề nhà chồng. Từ nghề làm bánh tráng gia đình ông Hân đã nuôi 4 con học đại học ở Tp.HCM, trong đó 3 đại học y dược, 1 công nghệ thông tin và ngôi nhà khang trang này cũng xây từ bánh tráng.
Hiện nay trong số 23 hộ làm bánh tráng gia truyền ở thôn Xuân Thượng chỉ có một mình hộ chị Nguyễn Thị Tuyết làm bánh có thương hiệu “Tuyết Trọng” lấy tên của hai vợ chồng. Chị Tuyết, 46 tuổi, làm dâu trong gia đình 3 đời làm bánh tráng, chỗ chị ngồi là chiếc lò tráng bánh gia truyền của mẹ chồng để lại, các con của chị ngoài giờ học phụ mẹ làm bánh tráng. Ngày nào cũng vậy, công việc từ sáng sớm đến 12 giờ trưa là tráng bánh, sau đó là công đoạn phơi, thu bánh vào và chuẩn bị nguyên phụ liệu cho ngày tiếp theo. Chị Tuyết cho biết: “Tôi học nghề làm bánh tráng từ mẹ chồng, 25 năm nay làm nghề này, phải nói là nuôi con bằng bánh tráng chứ không có việc gì khác. Công việc có vất vả nhưng không phải lo bươn chải nhiều, cứ thế mà làm nuôi 3 con, cuộc sống ổn định”.
Chị Tuyết tự hào với những chiếc bánh tráng vòng nhỏ để nướng lò vi sóng hay bánh tráng ngọt mang tên “Tuyết Trọng” đã được Việt kiều xách tay ra nước ngoài thưởng thức như món quà mang đậm chất quê. Thương hiệu bánh tráng “Tuyết Trọng” đã được dán nhãn 10 năm, theo chị Tuyết là để giữ chất lượng của bánh mình không nhầm lẫn với bánh khác. Còn sản phẩm của chị làm ra phần lớn theo đơn đặt hàng, đến lấy tại nhà hoặc gởi nhà xe đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là Đà Lạt, Tp.HCM. Hiện lò bánh của chị Tuyết sản xuất 7 loại bánh có giá từ 600 đồng - 6.000 đồng/cái cho thu nhập 15 triệu đồng/tháng mà chỉ có 2 công lao động chính là vợ chồng chị. Bí quyết của bánh tráng ngọt Tuyết Trọng mà gia đình truyền lại là việc trộn bột - đường - mè - gừng - nước cốt dừa sao cho bánh để lâu không cứng, không bị đơ. Khâu hòa bột rất quan trọng phải đảm bảo lượng gạo 70% và bột mì 30% để bánh có độ dẻo, nếu pha nhiều bột mì bánh sẽ bị nứt gãy. Cực nhọc nhất là khâu tráng bánh trong lò lửa phải nóng đủ độ để bánh chín đều, cách tráng sao cho khéo để từng chiếc đều nhau, bánh mỏng dễ nhúng, bánh dày để nướng, bánh ngọt nhiều mè hoặc mè xát mỏng…
Chị Nguyễn Thị Sao - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lạc Lâm cho biết: Hội Phụ nữ đã tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội cho chị em vay vốn sản xuất bánh tráng trên 5 tỷ đồng. Hội đang xúc tiến vận động chị em thành lập tổ hợp tác và xây dựng nhãn hiệu bánh tráng Lạc Lâm nhằm tạo điều kiện cho chị em phát triển nghề truyền thống và thương hiệu bánh tráng Lạc Lâm. Năm 2013, bánh tráng Lạc Lâm đã được tham gia triển lãm tôn vinh những sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Lâm Đồng lần thứ nhất.
Thưởng thức bánh tráng không đâu ngon bằng ngồi ngay giữa lò bánh tráng của làng Xuân Thượng (Lạc Lâm) cùng chị em say sưa trong mùi vị tinh bột thơm giòn, xốp, béo, cay, bùi, hòa lắng hương vị của nắng gió, mồ hôi và sự đãi đằng hồ hởi của tình người xứ Kinh Bắc khó mà quên được!
Theo Báo Lâm Đồng