Quán mì Quảng cũng là nơi để… cãi lộn. Quảng Nam mà, phải cãi một chút cho vui! Bạn sẽ sống rất đơn điệu nếu cứ chỉ vào đó ăn mì rồi ra đi.
 


Trong quán mì chị Tư Châu ở ngã ba Kỳ Lý lại xảy ra tình huống ngộ nghĩnh như vầy. Hai cô gái đi chiếc Dream vào ăn mì. Cô thứ nhất hỏi: “Chỗ ni là ngã tư, răng người ta cứ gọi là ngã ba?”. Cô thứ nhì trả lời: “Tư ở mô mà tư? Trước chừ đường Kỳ Lý cắt ra gặp quốc lộ cả trăm năm nay nên người ta gọi ngã ba Kỳ Lý là đúng rồi”. “Đúng răng được? Con đường bê tông lớn trước mặt chạy về hướng biển xã Tam Thăng nối đường Kỳ Lý cũng cắt qua quốc lộ. Hắn phải là ngã tư”. “Thôi mệt quá mi ơi. Cả trăm năm ni họ gọi ngã ba Kỳ Lý rồi”. “Họ nói trật. Hai đường cắt nhau phải ra ngã tư chớ không phải ngã ba”. “Kệ mi. Mi cứ ăn mì ở ngã tư Kỳ Lý, còn tau ăn mì ở ngã ba Kỳ Lý. Biết rứa tau không dẫn mi ra đây nữa!”.

Trận cãi vã của hai cô khiến tôi buồn cười. Họ cãi nhau đúng y như kiểu cãi truyền thống của người Quảng Nam. Vấn đề ở đây nhỏ xíu, chỉ là một cái tên gọi. Mà cũng ngộ thiệt, chỗ này là nơi hai con đường giao nhau dù nó hơn xeo xéo một chút; rõ ràng nó phải là ngã tư chớ không phải ngã ba. Rứa mà trên trăm năm nay, người ta vẫn gọi là ngã ba Kỳ Lý. Báo hại một người bạn tôi từ Sài Gòn ra đây tìm nhà bà con, đi miết không thấy ngã ba mà chỉ thấy ngã tư. Ngã tư của hai giao lộ thì làm răng nói là ngã ba được, hở trời?

Tôi ăn tại một quán mì Thăng Bình, ngạc nhiên khi thấy lát thịt gà dai dai, đen đen. Tôi nói với anh bạn vốn là dân trong miền Nam ra: “Nhà này chuyên mua gà đá độ làm thịt”. Anh bạn cãi: “Một con gà đá mấy triệu bạc, hơi đâu họ làm thịt cho ông ăn?”. Tôi cả giận, không nói nữa. Ăn xong, tôi ngoắc anh ra sau xem thử. Té ra tôi hoàn toàn đúng. Chủ quán này chuyên mua những con gà nòi đá thua hoặc bị thương nặng về làm thịt. Phía sau nhà còn ba, bốn chú như thế, chú nào cũng mặt mũi xìu co, đang đợi vào nồi. Mua gà đá… thua này giá rẻ hơn gà thường mà thịt lại nhiều và ngon hơn thịt gà tơ. Tôi cả mừng bởi ăn thịt gà đá độ, biết đâu mình sung độ?

Ở thị trấn Núi Thành, thường xảy ra tình hình… cãi nhau giữa khách và chủ quán mì. Nguyên là tại đây, tô mì nào cũng được bỏ trên mặt nhưn một nửa con cua lột. Trong nguyên tắc sinh học, mỗi tháng cua chỉ lột một lần theo con nước. Tôi từng sống ở U Minh Hạ giữa rừng Cà Mau, nuôi tôm bắt cua đều rành sáu câu vọng cổ. Tôi biết mỗi tháng, cua chỉ lột một lần, nhưng ở đây ngày nào cũng có cua lột trong tô mì Quảng là cái làm sao? Khách nghi ngờ các vị chủ quán mua cua nhèm (cua nhỏ) rồi ngâm vào một thứ thuốc chi chi đó làm mềm chất calci của mai cua để giả làm cua lột. Còn chủ quán một hai là bổn tiệm chỉ bán cua lột thứ thiệt mua từ vuông nuôi cua về. Cứ thế, hai bên cãi nhau ỏm tỏi.

Tôi vốn tính dĩ hòa vi quý, tự nhủ lòng rằng mình đang được ăn cua lột thứ thiệt. Và tôi kết luận: Ở Núi Thành, Quảng Nam, con cua lột quanh năm chứ không đợi chu kỳ con nước hàằg tháng!

Bạn ăn mì Quảng đã no. Hãy từ từ vận khí công mà thở. Hãy lắng nghe bánh tráng đang nở ra trong bao tử của bạn. Bạn nên uống thêm một ly nước chè nữa để đỡ khát, bởi bánh tráng hút nước nhanh cấp kỳ, có thể khiến bạn khát ngay. Mà đi đường xa gặp mùa hè, cứ 5 phút phải dừng xe lại mua chai nước uống giải cơn khát do mì Quảng gây ra là một sai lầm lớn trong đời.

Bí quyết để sống và giữ cho được chữ “Thọ” ở trên đời đã được cổ nhân đúc kết là “Ăn mạnh, uống đậm, đi chậm, vác nhẹ”. Ngay trong đạo lý ăn mì Quảng cũng tiềm ẩn bốn nội dung cơ bản ấy. Ở xã Duy Trinh (Duy Xuyên), có ông nớ buổi sáng điểm tâm hết hai tô mì Quảng, hai cái bánh tráng, hai đĩa rau và một ly cà phê sữa đá. Suy rộng ra, cứ hàng ngày bạn ăn uống và làm việc như vậy thì chữ Thọ sẽ không bỏ bạn mà ra đi sớm. Có những “cụ ông” mới hưởng thọ 32 tuổi đã ra đi vì quên câu nói giản dị trên.

Như tôi vừa viết, ăn mì Quảng nên uống nước chè (trà). Vậy cũng nên nói thêm một chút về nước chè. Đất Quảng Nam trồng cây chè khá nhiều, có những cây lâu năm cao quá đầu người, ra trái um sùm. Người nông dân cứ ra sân, bẻ một mớ nhánh chè xanh xuống, rửa sạch. Họ chặt nhánh chè ra từng khúc ngắn, có thể cho vào cối giã sơ. Nấu một nồi nước sôi sùng sục, họ bỏ chè vào và vớt bọt. Vậy là có sẵn mấy bình tích chè xanh.

Để nước thơm ngon hơn, người ta rang sẵn một ít đậu đen hay đậu ván, đập giập một củ gừng cho vào nồi nước chè. Khi rót chè ra chén hay bát, nhìn màu chè xanh nhạt, ngửi hương chè thơm mùi đậu rang, mùi gừng tươi là đã muốn uống ngay. Ai đói bụng mà uống nước chè tươi này vào có thể bị say; cảm giác rất giống với say sóng. Bụng no mới nên uống.

Nước chè xanh tự nhiên này giải khát tốt, vị đậu thơm và mát, vị gừng nóng hòa với nhau. Uống nước chè có chút gừng là để đề phòng chuyện ta vừa ăn mì Quảng có nhiều rau sống. Rau sống thuộc âm nhu, gừng thuộc dương cương. Lấy dương điều hòa với âm tạo ra sự hài hòa. Âm dương tương hỗ, tương thích, tạo ra thế quân bình cho… bao tử. Nước gừng có thể chế ngự một số loại bệnh đường ruột, đặc biệt là sau khi ăn rau sống, món cố hữu kèm theo mì Quảng. Ấy gọi là ăn chắc mặc bền.
 

Theo Báo Quảng Nam